Gần đây, CLB Chống hàng giả và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Báo Sài Gòn Giải Phóng (SACC) nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc ở các địa bàn nông thôn than phiền về chế độ bảo hành hàng hóa của các doanh nghiệp. Nhiều câu chuyện nhỏ nhưng khi đọc và ngẫm lại mới thấy thật “tội nghiệp” cho người tiêu dùng tại đây.
Trong khiếu nại gửi đến SACC, khách hàng Hồ Tấn Huy (phường Quyết Thắng, KP 2, Biên Hòa, Đồng Nai) trình bày về việc ông có mua một tivi LCD 32 R 81 (lô hàng sản xuất ngày 20-3-2008) với giá 11.990.000 đồng tại Siêu thị Điện máy Chợ Lớn chi nhánh Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Sau một thời gian sử dụng, tivi có hiện tượng hình ảnh mất nét, mất chiều sâu, màu lem, ánh sáng gắt.
Ông điện thoại cho trạm bảo hành đến sửa chữa, thì nhân viên công ty cho rằng thời hạn bảo hành 12 tháng đã quá mấy ngày nên từ chối bảo hành. Sau đó, ông xem điều khoản bảo hành của công ty, tại Điều 1 có ghi: “Bảo hành 1 năm kể từ ngày mua hoặc 18 tháng kể từ ngày sản xuất tùy theo điều kiện nào đến trước”.
Nếu tính theo ngày sản xuất thì chiếc tivi này “xuất xưởng” chưa tròn 13 tháng và vẫn còn trong điều kiện bảo hành. Tuy nhiên, phía đơn vị bảo hành sản phẩm tivi Samsung lại viện dẫn câu “điều kiện nào đến trước” nên ông không còn quyền bảo hành sản phẩm nữa…
Đến lúc này ông Huy mới té ngửa vì chính sách bảo hành kiểu “chơi chữ” của hãng Samsung. Trong khi, chỉ nhìn vào chính sách bảo hành nói trên thì ai cũng nhận ra rằng hãng sản xuất đang né tránh trách nhiệm một cách “điệu nghệ” nhất. Dường như, hãng sản xuất chỉ mong chờ hết thời gian bảo hành để tính phí sửa chữa với khách hàng.
Đối với người tiêu dùng Huỳnh Sơn Bá (ấp Lộc Hậu, xã Mỹ Lộc, Cần Giuộc, Long An) thì sự việc còn “dở khóc dở cười” hơn. Ông Bá gửi thư đến SACC trình bày việc mua một chiếc bếp hiệu Wata shi-Zamaka với giá 1,2 triệu đồng của Công ty Nam Quốc (phiếu bảo hành ghi tên Công ty Nam Quốc).
Chỉ một thời gian ngắn sử dụng thì bếp đã bị hư nhưng gọi điện thoại tới trung tâm bảo hành thì bị từ chối với lý do “công ty đã dời chỗ khác”, mà địa chỉ mới thì “bặt vô âm tín” (?!). Người dân nông thôn khi mua hàng ít khi đọc kỹ các điều khoản ghi trong phiếu bảo hành nên khi gặp sự cố thì không biết phải khiếu nại ở đâu.
Việc thông tin những hiểu biết về quyền lợi cho bà con nông thôn khi mua hàng từ những đơn vị bán hàng là điều nên làm và đó cũng là đạo đức trong kinh doanh của các doanh nhân thời nay.
H.Thủy