Sự trỗi dậy nguy hiểm

Karel Wiggins là y tá người Mỹ từng làm việc ở Australia vào đầu năm 2018. Nhờ có kinh nghiệm làm việc và tận tâm nên cô được đa số bệnh nhân yêu mến. Nhưng là người Mỹ gốc Phi, Karel cũng chia sẻ sự thật về thời gian làm việc tại Australia, nhất là sự khinh miệt hay nói đúng hơn là tình trạng phân biệt chủng tộc.

Cô cho biết một lần khi đang ở nơi làm việc, một bệnh nhân nói với cô: “Tôi không muốn có bất cứ người da màu nào trong phòng tôi”. Trong cuốn sách Những điều nhỏ nhặt vĩ đại (Small Great Things), tác giả Jodi Picoult kể câu chuyện về y tá Ruth Jefferson bị cặp vợ chồng quyền thế da trắng kiện. Họ nói rằng họ không muốn cô ấy chạm vào em bé vì cô ấy là người Mỹ gốc Phi. Ngay sau đó, đứa bé rơi vào tình trạng nguy kịch và trớ trêu thay, Ruth là y tá duy nhất trong phòng. Cô ấy đã phải đối mặt với một quyết định khó khăn: để mặc em bé hay ra tay sơ cứu và y tá Ruth chọn hành động. Cô bắt đầu hô hấp nhân tạo cho em bé trong khi gọi đồng nghiệp đến hỗ trợ, nhưng tiếc thay đứa bé đã qua đời. Ruth sau đó bị đổ lỗi và bị buộc tội gây ra cái chết của đứa bé.

Cũng có hoàn cảnh giống Ruth, câu chuyện này làm Karel khó xử hơn. Những bệnh nhân da trắng Australia tự cho rằng Karel là người tị nạn Sudan nhưng sau khi Karel nói rằng cô đến từ Mỹ, thái độ của họ mới dịu xuống. Theo Karel, chuyện phân biệt xảy ra ngay cả giữa các y tá. Đã nhiều lần Karel rơi vào tình thế căng thẳng khi tiếp cận đồng nghiệp. Nhưng khoảnh khắc cô ấy mở miệng để nói và mọi người  nghe “giọng Mỹ”, sự căng thẳng ngay lập tức sẽ dịu đi. Khi Karel trở về nhà ở Mỹ vào tháng 5 vừa qua, cô cũng nhận thấy chính sách nhập cư của Nhà Trắng hiện cũng mang đậm tính chất kỳ thị. “Đó thực sự là nỗi buồn cho chúng tôi và lịch sử của chúng tôi. Mỹ được xem như một đất nước tiến bộ và là một nhà lãnh đạo thế giới. Nước Mỹ là một cộng đồng văn hóa đang đa dạng, nhưng chúng tôi thấy ngày càng xuất hiện tình trạng phân biệt chủng tộc đi kèm các cuộc bạo loạn - những vấn đề tưởng như không còn tồn tại nữa”.

Mới đây, trên tờ New York Times, nữ diễn viên người Mỹ gốc Việt Kelly Marie Trần đã tuyên bố xóa tất cả hình ảnh trên Instagram vì cô cho rằng  đã dẫn đến những lời lẽ phân biệt chủng tộc. Diễn viên này từng vào vai chính trong phim đình đám Star Wars: The Last Jedi. K. Marie Trần viết. “Lời nói của họ dường như xác nhận những gì tôi đã nhận biết khi lớn lên ở Mỹ: là phụ nữ và là người da màu và xã hội Mỹ đã dạy tôi rằng tôi chỉ đáng ở bên lề, chỉ có thể đóng các vai nhỏ trong cuộc sống và trong phim”. Nhưng cô cũng công khai: “Bạn có thể biết tôi là Kelly. Tôi là người phụ nữ da màu đầu tiên vào vai chính trong bộ phim Star Wars. Tôi là người phụ nữ châu Á đầu tiên xuất hiện trên trang bìa của Vanity Fair. Tên thật của tôi là Loan”. Nhiều đồng nghiệp của Marie Trần đã tuyên bố ủng hộ cô chống lại các hành động phân biệt chủng tộc.  

Nước Mỹ đã phải rất khó khăn, thậm chí phải trải qua nội chiến mới kết thúc chủ nghĩa nô lệ và phân biệt chủng tộc. Australia phải mất nhiều chục năm người bản địa mới có quyền bình đẳng như người da trắng. Nam Phi cũng trải qua nhiều thập kỷ mới xóa bỏ được chế độ apartheid (tồn tại từ năm 1948 đến những năm 1990). Thế nhưng, khi chủ nghĩa dân tộc cực đoan và phát xít mới đang trỗi dậy toàn cầu cùng với tình trạng di dân ồ ạt trong nhiều năm qua, tình trạng phân biệt chủng tộc xem ra đang trở lại và ngày càng lộ rõ hơn.

Tin cùng chuyên mục