Sửa luật để quản lý dịch vụ truyền hình xuyên biên giới

Vụ việc Netflix bị Bộ TT-TT yêu cầu gỡ các nội dung xuyên tạc lịch sử, chủ quyền khi cung cấp dịch vụ truyền hình ở Việt Nam, không còn là chuyện mới, bởi việc quản lý các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới nói chung tại Việt Nam đang tồn tại nhiều kẽ hở.

Bất lợi cho doanh nghiệp trong nước

Từ năm 2018, tại Hội thảo “OTT - Tương lai của truyền hình”, đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã đề nghị Netflix phải báo cáo số liệu đầy đủ về hoạt động tại Việt Nam. Đại diện cục cho rằng, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này đều được đối xử trên một mặt bằng pháp lý, không có lợi thế cho một pháp nhân, doanh nghiệp, bất kể là quốc tịch, xuất thân nào.

Đến tháng 10-2019, đơn vị này ra mắt giao diện tiếng Việt. Đó là lý do, trong công văn của mình, cục đề nghị “doanh nghiệp có nhu cầu tham gia thị trường dịch vụ truyền hình tại Việt Nam một cách hợp pháp, cần thực hiện các thủ tục đề nghị cấp giấy phép theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam”. Trước đó, năm 2019, Netflix bị một số đài truyền hình trả tiền tại Việt Nam tố trốn thuế, né kiểm duyệt.

Có một thực tế, các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới đang có mặt tại Việt Nam như: Netflix, iflix, Amazon (Mỹ); WeTV, iQIYI (Trung Quốc)… đã tạo nên thị trường sôi động, trong đó khán giả là người được hưởng lợi nhiều nhất. Nhìn ở góc độ tích cực, theo đại diện Dịch vụ xem phim theo yêu cầu DANET: “Với tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường, nền tảng chiếu phim theo yêu cầu trực tuyến là ưu tiên hàng đầu trong sự lựa chọn của khán giả để giải trí tại nhà. Điều này giúp các đơn vị kinh doanh truyền hình xuyên biên giới có nhiều cơ hội tiếp cận khán giả hơn. Điểm tích cực là khán giả dần quen với việc thưởng thức các bộ phim có bản quyền. Quen với việc bỏ tiền ra để thưởng thức được những tác phẩm có chất lượng hình ảnh tốt, không có quảng cáo và giúp làm sạch dần thị trường phim lậu”.

Về mặt nội dung, so với các đơn vị kinh doanh trong nước, các nền tảng truyền hình xuyên biên giới có nhiều ưu thế bởi kho nội dung lớn, phong phú, chất lượng hình ảnh cao, trong đó có nhiều nội dung độc quyền. Chưa kể, do không phải trải qua các khâu kiểm duyệt của các cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam, các nội dung này đến tay người tiêu dùng mà không bị cắt gọt. Nhưng thử hỏi, có bao nhiêu phần trăm người dùng đánh giá được những tác động của những nội dung có chứa yếu tố không lành mạnh đó, trong khi họ luôn bị cuốn hút bởi xu hướng thịnh hành toàn cầu?

Sửa luật để quản lý dịch vụ truyền hình xuyên biên giới ảnh 1 Thời gian qua Netflix đã tích cực mở rộng kho nội dung phim Việt

Đánh trúng tâm lý, ngay cả khi đặt ra mức phí cao hơn so với các dịch vụ truyền hình trực tuyến trong nước, người tiêu dùng vẫn chấp nhận chi trả. Đặc biệt, trong giai đoạn giãn cách xã hội vì Covid-19, mức tăng trưởng của các nền tảng này đều tăng nhanh. Không kiểm duyệt nội dung, không chịu các mức thuế phí, lợi nhuận tốt đang là “lợi thế” của các đơn vị kinh doanh không phép.

“Hiện nay, nhiều đơn vị trong nước đang phải chịu áp lực từ các đơn vị nước ngoài khi các chính sách, quy định đối với các đơn vị nước ngoài chưa thực sự rõ ràng. Điển hình như việc các tác phẩm của nước ngoài không phải trải qua quá trình kiểm duyệt gắt gao như đơn vị trong nước. Hay một vài đơn vị nước ngoài không phải chịu thuế tại Việt Nam, không nộp thuế dẫn tới việc các đơn vị nước ngoài sẽ có lợi hơn về mặt doanh thu khi kinh doanh lĩnh vực này tại Việt Nam”, đại diện DANET nhìn nhận.

Thiếu chế tài xử lý

Theo nhận định của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Netflix đang cung cấp hàng ngàn nội dung với đủ thể loại, gồm cả phim tài liệu lịch sử, trò chơi truyền hình, truyền hình thực tế, phóng sự điều tra... được chuyển ngữ tiếng Việt, hướng tới người dùng là người Việt Nam, có thu tiền thuê bao định kỳ hàng tháng tại Việt Nam. Tuy nhiên, dịch vụ này lại đang vi phạm các quy định pháp luật hiện hành Việt Nam.

Không chỉ dừng lại ở việc chuyển ngữ tiếng Việt sử dụng một số từ ngữ thô tục, ảnh hưởng tính trong sáng của tiếng Việt; khiến trẻ em dễ dàng xem các nội dung không phù hợp nếu phụ huynh buông lỏng; nhiều phim, chương trình được Netflix phát có nội dung không được biên tập phù hợp lịch sử, truyền thống văn hóa, thuần phong, mỹ tục Việt Nam, như nội dung xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc về chủ quyền Việt Nam, chi tiết hình ảnh bạo lực, sử dụng ma túy, khiêu dâm...

Theo quy định của luật pháp hiện hành, Netflix là đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình có thu tiền thuê bao định kỳ và là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, các doanh nghiệp phải có giấy phép trước khi cung cấp dịch vụ. Nội dung trên dịch vụ phải tuân thủ các yêu cầu về biên tập nội dung trước khi cung cấp đến người dùng/thuê bao theo quy định pháp luật về báo chí, điện ảnh, luật trẻ em…

Chia sẻ về việc loại hình này, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam, cho biết theo Nghị định số 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình thì các hãng truyền hình nước ngoài cung cấp kênh chương trình nước ngoài vào Việt Nam có thu phí bản quyền nội dung, phải thông qua đại lý được ủy quyền tại Việt Nam để thực hiện việc đăng ký cung cấp kênh chương trình và thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Cục Điện ảnh chưa nhận được văn bản thông báo nào liên quan đến vấn đề Netflix đã được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động và có cơ quan đại diện được ủy quyền tại Việt Nam.

Cũng theo Cục Điện ảnh, đây là hoạt động điện ảnh trong dịch vụ truyền hình qua Internet được cung cấp theo hình thức xuyên biên giới, Luật Điện ảnh chưa có quy định điều chỉnh, chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm của loại hình này.

Lãnh đạo Cục Điện ảnh cũng cho hay, đang tham mưu sửa đổi Luật Điện ảnh để phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển của công nghệ; ngoài ra, cũng đang trong quá trình xây dựng khung pháp lý nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động điện ảnh theo hình thức cung cấp phim xuyên biên giới trên Internet vào lãnh thổ Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục