Sức sống đờn ca tài tử ở TPHCM

Cách đây đúng 10 năm, ngày 5-12-2013, đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trên thành phố mang tên Bác, ĐCTT vẫn mãi là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân, là đặc sản văn hóa kết nối tình tri kỷ - tri âm với bạn tài tử khắp mọi nơi.

“Vùng đất lành” cho ĐCTT

Với hơn 100 năm định hình và phát triển, ĐCTT được nhiều thế hệ nghệ nhân dày công vun đắp, sáng tạo những trình thức hòa tấu, dạng thức sinh hoạt, sáng tác và cải biên hàng trăm làn điệu, biên soạn vô số lời ca mới thấm đậm tình người, tình đất phương Nam… Trải dài từ Ninh Thuận đến Cà Mau, ĐCTT luôn lắng sâu trong tâm thức văn hóa cộng đồng, có vai trò quan trọng trong tiến trình lịch sử của dân tộc. Ngay từ những ngày đầu, Sài Gòn - TPHCM luôn chiếm một vị trí quan trọng trong sự phát triển của ĐCTT.

Vùng đất không chỉ xuất hiện nhiều danh cầm, danh ca xuất sắc, mà còn tạo nên nét riêng biệt so với các địa phương khác. Theo nhận định của giới chuyên môn, điểm khác biệt giữa ĐCTT ở TPHCM với các tỉnh, thành khu vực phía Nam là tính chuyên nghiệp cao (từ cách thức sinh hoạt, cho đến sự sáng tạo trong phong cách biểu diễn, truyền dạy…). Hiện nay, TPHCM đang có nhiều nghệ nhân vang danh khắp vùng Nam bộ như: NNND Phạm Công Tỵ (Út Tỵ), Th.S-NSƯT Huỳnh Khải, Th.S-nhạc sĩ Phan Nhứt Dũng, nhà giáo - đạo diễn Kim Loan, NNND Thanh Tuyết, các NNƯT Lê Hoàng Tấn, Phan Minh Đức, Trường Giang, Duy Kim, Huỳnh Tuấn, Phương Hậu, Văn Sơn, Cẩm Thủy, Hà Thu, Xuân Đào…

Một trong những lý do quan trọng để TPHCM trở thành trung tâm của ĐCTT là, thành phố đã xây dựng nên một môi trường mà ở đó, các nghệ nhân có thể giao lưu, biểu diễn và quan trọng nhất là sống được với nghề. Có thể nói, ĐCTT ở TPHCM đang “ngự trị” ở mọi không gian sinh hoạt cộng đồng, từ ngoại thành cho đến nhà máy, công trường, trường học, khu du lịch sinh thái… ĐCTT liên tục xuất hiện từ sự kiện văn hóa lớn của thành phố như Chợ hoa xuân Trên bến dưới thuyền, Đường hoa Nguyễn Huệ, Tuần văn hóa du lịch TPHCM…, các chương trình giải trí như Tìm kiếm giọng ca và ngón đờn tài tử, Tài tử cải lương, Vầng trăng cổ nhạc…, đến các CLB, đội nhóm giao lưu, sinh hoạt biểu diễn ĐCTT ở các quận, huyện, trung tâm văn hóa. Đó là chưa kể đến hàng loạt sân khấu ĐCTT ở các hàng quán, khu vui chơi giải trí nhằm phục vụ du khách trong và ngoài nước.

e6c-4137.jpg
Tiết mục Cần Giờ yêu thương của Trung tâm Văn hóa thể thao - truyền thông huyện Cần Giờ tại lễ khai mạc Liên hoan Đờn ca tài tử TPHCM giải Hoa sen vàng lần VI

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nghệ nhân đã ví von TPHCM như “vùng đất lành” cho ĐCTT tồn tại và phát triển. Để có được đời sống tinh thần phong phú đa dạng đó, TPHCM cũng đã liên tục xây dựng các đề án để bảo tồn và phát huy nghệ thuật ĐCTT. Tháng 3-2018, UBND TPHCM đã phê duyệt “Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật ĐCTT Nam bộ trên địa bàn TPHCM (giai đoạn 2018-2020)”. Đến tháng 8-2022, TPHCM tiếp tục ban hành kế hoạch “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật ĐCTT Nam bộ trên địa bàn TPHCM đến năm 2025”.

Trên cơ sở các đề án, kế hoạch này, thành phố đã thực hiện nhiều hoạt động như mở các lớp tập huấn truyền dạy về ĐCTT; tổ chức thực hiện các chương trình giới thiệu và trình diễn ĐCTT phục vụ công chúng và sinh viên, học sinh trên địa bàn thành phố; tổ chức nhiều buổi tọa đàm, hội thảo khoa học, nói chuyện chuyên đề với sự tham gia của những nhà nghiên cứu, nhà sư phạm âm nhạc dân tộc và những nghệ nhân, nghệ sĩ, soạn giả danh tiếng; thực hiện nhiều chương trình cổ nhạc trên các phương tiện truyền thông đại chúng; tổ chức nhiều cuộc liên hoan, hội thi ĐCTT từ cấp huyện đến cấp thành phố, thu hút nhiều đối tượng, thành phần trong xã hội tham gia.

Nỗi lo kế thừa

Giống như các di sản văn hóa phi vật thể như ca trù, quan họ, bài chòi, ca Huế, hát xẩm…, ĐCTT là thể loại âm nhạc cần được bảo tồn và phát huy trong đời sống cộng đồng thông qua các phương thức sáng tác, trình diễn và truyền dạy. Đặc biệt với ĐCTT, việc truyền dạy còn nhằm thực hiện cam kết với UNESCO: phải được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua giáo dục chính thức và không chính thức tại khắp 21 tỉnh, thành khu vực phía Nam (từ Ninh Thuận đến mũi Cà Mau), liên tục được tái tạo thông qua trao đổi văn hóa, thể hiện sự hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau giữa các cộng đồng dân tộc với nhau.

Tuy nhiên, so với trước đây, hoạt động truyền dạy ĐCTT ở TPHCM đang có dấu hiệu đi xuống do nhiều nguyên nhân: những nghệ nhân giỏi nghề, có ngón đờn điêu luyện, sở hữu giọng ca đúng chất tài tử đa phần đã lớn tuổi không đủ sức khỏe truyền dạy; số lượng nghệ nhân đờn giỏi, ca hay tại các CLB ở các địa phương chỉ đếm trên đầu ngón tay; năng lực chuyên môn của một số nghệ nhân dạy đờn, ca hạn chế nhiều so với trước, không nắm chắc “lòng bản” của từng bản đờn, không vững vàng trong diễn tấu và hòa ca, dẫn đến việc truyền dạy gặp nhiều khó khăn, trở ngại, và hệ quả là chất lượng truyền dạy ngày càng giảm sút. Chưa kể, hiện đang có tình trạng một số loại hình nghệ thuật dân gian - dân tộc đã và đang dần bị mai một, biến dạng, lai căng và ĐCTT cũng có chung số phận.

Nguyên nhân chính là do số lượng người trẻ say mê và muốn gắn bó bền lâu với di sản văn hóa tinh thần này không nhiều như trước đây, một phần cũng vì loại hình nghệ thuật này rất kén chọn người chơi, đòi hỏi người học phải có năng khiếu thật sự và phải có sự kiên trì nhẫn nại khi theo đuổi. Trong khi đó, kinh phí hoạt động của các CLB thường hạn hẹp, thù lao bồi dưỡng cho nghệ nhân làm công tác truyền nghề thấp, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng công tác truyền dạy.

“TPHCM có thể chọn ngày 5-12 hàng năm để tổ chức nhạc hội ĐCTT TPHCM (hoặc định kỳ 2 năm một lần) nhằm kích thích sự phát triển, phát huy tinh thần sáng tạo và tài năng trình diễn cho thành viên các CLB ĐCTT thuộc các trung tâm văn hóa quận, huyện, các CLB và với những ai yêu thích nghệ thuật ĐCTT. Nhạc hội cũng là dịp để tôn vinh các nghệ nhân có công lao đóng góp cho ĐCTT”.

Để vang mãi tiếng đờn

Từ thực tế trên, để ĐCTT tại TPHCM tiếp tục phát triển, vừa phục vụ công tác bảo tồn vừa đáp ứng yêu cầu thưởng thức ngày càng cao của người dân, đòi hỏi cần thiết phải có sự thay đổi mà trước hết là nâng cao chất lượng truyền dạy. Sự thay đổi đầu tiên là cần có chính sách đãi ngộ nghệ nhân, góp phần chăm lo cuộc sống và giúp họ yên tâm cống hiến cho nghề nghiệp, cho công tác truyền dạy thế hệ sau. Tiếp đó, phương pháp truyền dạy cũng cần đổi mới với các hình thức: ghi âm và quay clip các bài bản đờn hoặc ca muốn truyền dạy để phổ biến qua các phương tiện truyền thông, trang mạng xã hội… Những buổi sinh hoạt tại các CLB ĐCTT nên mời thêm nghệ nhân giỏi chuyên môn tham gia cố vấn, tập luyện thêm các bài bản, làn điệu mới. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của thành phố như Sở VH-TT có thể đứng ra phối hợp các đơn vị khác, với các nghệ nhân danh tiếng để xây dựng chương trình đào tạo ĐCTT chuyên nghiệp, với khung chương trình đào tạo phù hợp và cấp bằng công nhận cho học viên sau khi hoàn thành khóa học.

Ở cấp độ cao hơn, cần sớm có sự thống nhất, hoàn chỉnh chính sách tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và truyền dạy nghệ thuật ĐCTT; tổ chức các hội thảo, tọa đàm khoa học chuyên đề về ĐCTT; ứng dụng số hóa nhằm tạo hiệu quả cho việc nghiên cứu khoa học, truyền dạy và quảng bá ĐCTT; thường xuyên khảo sát và đánh giá chất lượng giảng dạy ở các “lò” đào tạo ĐCTT, các thiết chế văn hóa đang tổ chức truyền dạy, các cá nhân mở lớp... Qua đó, ngành quản lý văn hóa và giới chuyên môn sẽ phát hiện và kịp thời khắc phục, điều chỉnh hoạt động truyền dạy ngày càng hoàn thiện, hiệu quả và chất lượng hơn. Và một điều không thể không nhắc đến là để nghệ thuật ĐCTT tại TPHCM được bảo tồn và phát huy bền vững, đã đến lúc nên xem xét việc xây dựng cơ chế xã hội hóa hoạt động ĐCTT. Vận động toàn xã hội cùng chung tay bảo lưu, giữ gìn di sản nghệ thuật dân gian truyền thống của đất Nam bộ.

Tối 4-12, tại sân khấu ngoài trời Ga Bình An, đường số 20, phường An Khánh, TP Thủ Đức, Sở VH-TT TPHCM phối hợp Trung tâm Văn hóa TPHCM tổ chức khai mạc Liên hoan ĐCTT Nam bộ TPHCM giải Hoa sen vàng lần thứ VI năm 2023. Liên hoan gồm 2 bảng: Bảng A có 22 đội thuộc TP Thủ Đức và các quận, huyện; bảng B dành cho các thí sinh tự do. Cuộc thi khuyến khích các đơn vị xây dựng chương trình dựa trên các bài bản tuyển chọn từ các cuộc vận động sáng tác lời mới cho ĐCTT Nam bộ do TTVH TPHCM lưu hành cũng như các bài ca được viết lời mới do các địa phương khác xuất bản trong thời gian qua.

THÚY BÌNH

Tin cùng chuyên mục