“Sugar baby” trá hình

Khi các nhóm “sugar baby - sugar daddy/sugar mommy” (con nuôi bao dưỡng - cha/mẹ nuôi) trên mạng xã hội không còn, những nhóm đình đám với hơn 1 triệu thành viên trước đây cũng trở thành nơi bán hàng, chế ảnh theo trào lưu. Để có thể tiếp cận các đối tượng mong muốn, nhiều tài khoản mạng xã hội để lại bình luận trong các hội nhóm đang “hot” trên mạng.

Các tài khoản này thường ảo, không có thông tin và ảnh đại diện, chủ yếu được lập để bình luận khắp các nhóm (mỗi bình luận là đường link dẫn tới một sàn thương mại điện tử S.P). Người dùng được giới thiệu sản phẩm với chân dung rõ nét của “em gái học giỏi”, “em gái dỗi hờn”, “cô em chăm chỉ”… với từ 1 triệu đồng cho 1 ngày làm quen và 100 triệu đồng với hạn sử dụng 3 tháng.

Với những mục “hàng” này, người dùng không thể thêm vào giỏ hàng đơn thuần như mua những sản phẩm khác mà phải nhắn tin với người bán. Nhận diện khách hàng “tiềm năng” là kỹ năng của người đăng tải những “mặt hàng” này và không phải khách nào nhắn tin cũng được hồi đáp. Tài khoản trên sàn S.P. của chúng tôi với ảnh đại diện là nữ, người bán chỉ xem và không trả lời tin nhắn. Chuyển sang một tài khoản khác với ảnh đại diện là nam, chúng tôi được phản hồi nhanh chóng, không khác gì hình thức “sugar baby - sugar daddy” một thời rần rần mạng xã hội trước đây.

Trên sàn S.P., hoàn toàn không thể tìm được “hàng” với từ khóa “sugar baby” mà phải có link từ người đăng tải “mặt hàng” thì người dùng mới thấy. “Sugar baby” chỉ nhận khách 1-3 tháng, có giá 3-100 triệu đồng, nếu người dùng quan tâm hơn thì liên lạc theo số điện thoại từ người đăng thông tin và họ cũng đưa ra yêu cầu không chấp nhận hẹn hò cà phê để tìm hiểu trước.

Theo đường link từ một bình luận trong nhóm “Cột sống dạo này thế nào?” (với 250.000 thành viên), Đặng Minh H. (29 tuổi, ngụ quận 7, TPHCM) chia sẻ: “Tôi là quản lý nhóm, bài viết nào cũng thấy tài khoản T.V. bình luận đường link này, nên tôi tìm hiểu thử. Ai dè, họ giới thiệu sugar baby. Tôi nhắn tin hỏi, đến khi họ chốt giá 30 triệu đồng/tháng, thấy tôi im lặng, bên kia tự chặn tài khoản của tôi luôn”.

Mạng xã hội cũng là một phần trong cuộc sống của nhiều người, nhất là giới trẻ. Để mọi vấn đề, phản ánh từ đây mang thông điệp tích cực, giá trị tốt đẹp hơn cho cuộc sống, trước hết cần sự vào cuộc “mạnh tay” từ các cơ quan quản lý để loại bỏ những tài khoản xấu, trá hình. Mỗi người cũng cần ý thức, nâng cao nhận thức để hình thành bộ lọc cho mình trước những nội dung thiếu lành mạnh, thiếu tích cực.

Tin cùng chuyên mục