Suyễn ở trẻ

Bác sĩ Đỗ Thị Tường Oanh (Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch - TPHCM) cho biết tại TPHCM cứ 100 trẻ em thì có khoảng 29 trẻ thường xuyên bị khò khè khó thở do suyễn gây ra. Bệnh suyễn ở trẻ em thường xuất hiện ở lứa tuổi dưới 5, tỷ lệ bé trai mắc nhiều hơn trẻ gái. Hiện nay, trên thế giới có khoảng 300 triệu người mắc bệnh suyễn và con số này đang có chiều hướng gia tăng. Mỗi năm ước tính có khoảng 20 vạn người tử vong vì căn bệnh này.
Suyễn ở trẻ

Bác sĩ Đỗ Thị Tường Oanh (Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch - TPHCM) cho biết tại TPHCM cứ 100 trẻ em thì có khoảng 29 trẻ thường xuyên bị khò khè khó thở do suyễn gây ra. Bệnh suyễn ở trẻ em thường xuất hiện ở lứa tuổi dưới 5, tỷ lệ bé trai mắc nhiều hơn trẻ gái. Hiện nay, trên thế giới có khoảng 300 triệu người mắc bệnh suyễn và con số này đang có chiều hướng gia tăng. Mỗi năm ước tính có khoảng 20 vạn người tử vong vì căn bệnh này.

  • Cần lưu ý nếu trẻ ho, khò khè, khó thở

Suyễn ở trẻ ảnh 1

Điều trị bệnh hen suyễn tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: CAO THĂNG

Theo bác sĩ Đỗ Thị Tường Oanh, trẻ bị suyễn thường có những biểu hiện như khó thở, thiếu hơi, cảm giác ngộp.

Khi bé thở, có tiếng khò khè. Triệu chứng ho thường xảy ra vào lúc nửa đêm về sáng, hay khi gắng sức. Trẻ thấy nặng ngực, cảm giác như có vật gì đè lên.

Khi thấy có ít nhất 1 trong các triệu chứng trên thì nên đi khám bệnh để xác định xem có phải là bị suyễn hay không. Các triệu chứng của cơn suyễn thường thay đổi theo thời gian và biểu hiện ở mỗi người khác nhau.

Suyễn là căn bệnh của đường hô hấp, kéo dài gần như suốt cả đời người. Trong suốt quá trình sống, bệnh có khi tiềm ẩn, tưởng chừng ổn định nhưng cũng có lúc trỗi dậy bất ngờ. Ngoài việc gây ảnh hưởng đến chất lượng sống thì suyễn còn là một bệnh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người.

Nguyên nhân của bệnh suyễn cho đến nay vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên một số nghiên cứu cho thấy suyễn thường được phát hiện ra ở những người bản thân từng mắc bệnh dị ứng như: nổi mề đay, viêm mũi dị ứng, chàm hoặc trong gia đình có người thân đã từng mắc bệnh suyễn hoặc dị ứng. Ngoài ra bị nhiễm trùng hô hấp tái đi tái lại, thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá là những yếu tố làm bệnh suyễn dễ xuất hiện ở trẻ em.

  • Giải pháp “sống chung” với suyễn

Theo các nhà nghiên cứu, ở những người mắc bệnh suyễn, các phế quản bị viêm mãn tính và tăng nhạy cảm hay dễ bị kích thích. Tình trạng viêm mãn tính là tình trạng viêm không do vi trùng kéo dài nhiều năm. Trong khi tăng nhạy cảm hay dễ bị kích thích là phế quản thường bị co thắt làm khởi phát cơn suyễn.

Người mắc bệnh suyễn dễ bị kích thích khi gặp phải các yếu tố khởi phát như: mạt nhà, gián, phấn hoa, lông động vật nuôi, nấm mốc, bụi…

Bác sĩ Đỗ Thị Tường Oanh cho biết, đối với trẻ bị bệnh suyễn, để ngừa bệnh tái phát, nên cho trẻ tránh những khu vực có yếu tố làm khởi phát cơn suyễn như giữ gìn môi trường sống và làm việc sạch sẽ trong lành.

Hạn chế dùng chổi mà nên dùng máy hút bụi. Thận trọng khi thay đổi thời tiết, tránh cho trẻ thay đổi môi trường nhiệt độ đột ngột, tránh cho trẻ tiếp xúc gần với vật nuôi trong nhà như chó, mèo hay các động vật gây hại như chuột, gián…

Suyễn là căn bệnh mãn tính của đường hô hấp và những tiến bộ y học ngày nay đã giúp cho chúng ta có thể kiểm soát bệnh suyễn gần như hoàn toàn, giúp cho người bệnh sống chung với bệnh một cách tốt nhất.

Hiện nay, trên thị trường thuốc điều trị suyễn khá đa dạng - thuốc viên, thuốc tiêm, bột hít, dạng xông bằng máy, dạng thuốc xịt định liều… Mỗi loại có một hiệu quả điều trị riêng. Tuy nhiên, về cơ bản người ta vẫn chia thuốc ra làm 2 nhóm: nhóm cắt cơn và nhóm thuốc ngừa cơn. Người bệnh cần hiểu rõ và tuân thủ điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ thì mới thu được kết quả tốt nhất.

Khi cơn suyễn xuất hiện phế quản sẽ bị co thắt do các lớp cơ quanh phế quản co lại. Cũng có thể lớp niêm mạc (lớp tế bào lót) trong lòng phế quản bị sưng lên và phù nề. Hoặc phế quản tiết ra nhiều chất đàm nhớt rất dai và dính bám trong lòng phế quản…

Cả 3 hiện tượng trên xảy ra hầu như trên toàn bộ các phế quản trong phổi làm hẹp lòng phế quản và khiến luồng không khí lưu thông qua các phế quản bị cản trở.

TIẾN ĐẠT

Tin cùng chuyên mục