Cần bảo vệ dân thường
SANA cho biết các máy bay chiến đấu của liên quân do Mỹ đứng đầu đã tấn công trại tị nạn Baghouz ở tỉnh Deir Ezzor, miền Đông Syria ngày 16-3. Trong thời gian gần đây, liên quân do Mỹ đứng đầu đã tăng cường các cuộc không kích ở thị trấn Baghouz, nơi được cho là thành trì cuối cùng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria. Ngày 11-3 vừa qua, ít nhất 50 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương khi các chiến đấu cơ của liên quân này không kích nhằm vào các gia đình đang chạy khỏi những khu vực do IS kiểm soát ở gần biên giới Iraq. Hồi đầu tháng 3-2019, các máy bay chiến đấu của Mỹ, sử dụng bom có chứa Phốt-pho trắng (bị cấm sử dụng) đã oanh tạc khu vực trên, khiến một số người chết.
Tổng Thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã bày tỏ quan ngại về thông tin hoạt động quân sự gia tăng trong vài tuần qua và nhấn mạnh, các chiến dịch chống khủng bố không được phép bỏ qua trách nhiệm bảo vệ dân thường. Cũng theo người đứng đầu LHQ, sự hỗ trợ tăng cường của quốc tế là đòi hỏi cấp thiết nếu các bên của cuộc xung đột này tiến tới tìm một giải pháp chính trị đáp ứng khát vọng chính đáng của toàn bộ người dân Syria.
Xuất hiện những thách thức mới
Ngày 15-3 đánh dấu cuộc xung đột tại Syria chính thức bước sang năm thứ 9. Syria bị tàn phá bởi những cuộc giao tranh dai dẳng. Hai vòng đàm phán riêng rẽ nhằm tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Syria vẫn chưa đi tới một thỏa thuận cuối. Hơn 10 hội nghị tài trợ cho Syria không đủ xua đi cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng mà người dân Syria đang phải gánh chịu.
Người ta đã nói nhiều tới những lý do xung đột Syria khó giải quyết. Chiến trường Syria có thể coi là một vũng lầy hỗn độn của những tác nhân đan xen, chồng chéo khiến mọi thứ luôn rối loạn. Mâu thuẫn sắc tộc tôn giáo, bất đồng phe phái, sự tranh giành ảnh hưởng của các thế lực bên ngoài, lợi ích của các bên liên quan đối nghịch nhau. Ở Syria, ngoài lực lượng chính phủ và phe đối lập, còn có sự tham gia của các cường quốc thế giới và khu vực, từ Mỹ, Nga tới Iran, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ. Mỗi thế lực hậu thuẫn một bên, mục tiêu khác nhau, khiến xung đột ở đây thêm phức tạp, thậm chí còn bị đẩy lên một nấc thang mới khi được mô tả có quy mô quốc tế, dù chiến trường không vượt khỏi biên giới Syria.
Bất ổn nghiêm trọng còn tạo khoảng trống để các tổ chức cực đoan, trong đó có IS, nhanh chóng chiếm giữ nhiều vùng lãnh thổ, biến quốc gia Trung Đông này thành một mặt trận của khủng bố. Trong những năm qua, ở Syria luôn tồn tại một thực tế rằng khi những khó khăn cũ vừa được hóa giải thì những thách thức mới lại xuất hiện. Dù cục diện hiện nay tại Syria đang có những thay đổi mang tính bước ngoặt như: quân đội chính phủ Syria đang chiếm ưu thế vượt trội trước lực lượng đối lập, khủng bố; Mỹ tuyên bố rút quân khỏi Syria; nhiều nước Arab đã quyết định mở cửa lại đại sứ quán tại Damascus…, tạo đà giúp Tổng thống Assad từng bước củng cố vị thế và khẳng định vai trò, không ai có thể khẳng định cuộc xung đột này sớm kết thúc.
Xung đột tại Syria đã buộc khoảng 13 triệu người dân nước này phải rời bỏ nhà cửa, tha hương; nền kinh tế bị tụt hậu 3 thập niên, hệ thống hạ tầng cơ sở bị phá hủy, trong khi hoạt động sản xuất điện và dầu mỏ bị tê liệt. Mức độ tàn phá gây thiệt hại hàng tỷ USD. |