Tác giả Julie Lardon cảnh báo về sự biến mất của những đô thị khi nước biển dâng

Mặc dù trời mưa tầm tã nhưng có rất đông bạn đọc đã đến và chăm chú lắng nghe tác giả Julie Lardon trò chuyện vào tối 5-10 tại Đường sách TPHCM.

Chương trình do NXB Kim Đồng tổ chức với chủ đề “Đô thị hiện đại và đô thị bền vững”. Cùng tham gia trò chuyện, ngoài tác giả Julie Lardon còn có nhà văn trẻ kiêm kiến trúc sư Nguyễn Đinh Khoa. Anh là tác giả của nhiều đầu sách dành cho độc giả trẻ, bao gồm truyện dài Độc hành (đoạt giải Văn học tuổi 20 lần thứ 6 vào năm 2018), tản văn Trở về một đứa trẻ (2021) và tản văn Con kiến xây (2022).

Tác giả Julie Lardon cùng các khách mời tại chương trình

Tác giả Julie Lardon cùng các khách mời tại chương trình

Trước chương trình tại Đường sách TPHCM, tác giả Julie Lardon đã lần lượt giao lưu với bạn đọc Việt Nam tại Hà Nội, Huế và Đà Nẵng. Chuỗi chương trình được thực hiện nhân dịp chuyến thăm Việt Nam của tác giả Julie Lardon trong khuôn khổ chuỗi hội thảo “Hạnh phúc có nằm trong tích lũy” của Viện Pháp, và nhân dịp ra mắt cuốn sách Nuôi nhân loại (nằm trong bộ sách Thế giới tương lai) do NXB Kim Đồng ấn hành.

"Nuôi nhân loại" là cuốn sách mới nhất của tác giả Julie Lardon trong bộ sách "Thế giới tương lai" do NXB Kim Đồng ấn hành

"Nuôi nhân loại" là cuốn sách mới nhất của tác giả Julie Lardon trong bộ sách "Thế giới tương lai" do NXB Kim Đồng ấn hành

Ở Pháp, tác giả Julie Lardon là nhà báo chuyên viết cho trẻ em. Bà thường xuyên viết những bài báo, lựa chọn cách diễn đạt đơn giản, dễ hiểu để trẻ em hiểu được những vấn đề của xã hội. Ngoài ra, bà còn hợp tác với các NXB để lựa chọn những chủ đề mang tính thời sự và quan trọng, để có thể cung cấp và giải thích cho trẻ em những thông tin, hiểu biết cần thiết về các vấn đề quan trọng liên quan đến các đô thị. Bởi theo bà, những người trẻ cần có thông tin hữu ích như thế vì họ có vai trò quan trọng trong xã hội tương lai.

Tại chương trình giao lưu, tác giả Julie Lardon đã chỉ ra, việc đô thị hóa quá nhanh và không được kiểm soát chặt chẽ đã gây ra nhiều vấn đề mang tính toàn cầu. Ở một số thành phố lớn, do quá trình đô thị hóa quá nhanh khiến phần lớn dân cư, đặc biệt là những người lao động phải sống ở những khu vực ngoại vi của thành phố. Từ đó dẫn đến thực trạng là có rất nhiều khu nhà ổ chuột xập xệ, điều kiện sống không tốt làm ảnh hưởng đến vấn đề sức khỏe.

Một độc giả đặt câu hỏi giao lưu với tác giả Julie Lardon

Một độc giả đặt câu hỏi giao lưu với tác giả Julie Lardon

Tác giả Julie Lardon cho rằng, quá trình đô thị hóa đã dẫn đến nhiều vấn đề xã hội, trong đó đặc biệt là tình trạng ô nhiễm với nhiều hình dạng ô nhiễm khác nhau tại các đô thị lớn như: ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, rác thải… “Nhưng hiện nay, ở một số quốc gia trên thế giới có xu hướng đó là biến đổi quá trình phát triển sang hướng thân thiện với môi trường. Đó là lối thoát duy nhất dành cho chúng ta, chúng ta cần chú trọng hơn đến việc phát triển những sáng kiến thân thiện với môi trường, để người dân được hưởng thụ những điều kiện sống tốt hơn”, tác giả Julie Lardon cho biết.

Nhà văn Nguyễn Đinh Khoa bổ sung thêm: “Xu hướng phát triển đô thị bền vững chắc chắn là xu thế không chỉ ở Việt Nam mà cả ở các nước trên thế giới. Ở các nước tiên tiến, người ta đã nghiên cứu và áp dụng xu hướng đó trong những công trình nhà ở và các tòa nhà văn phòng”.

Nhà văn trẻ kiêm kiến trúc sư Nguyễn Đinh Khoa (cầm mic) chia sẻ tại chương trình

Nhà văn trẻ kiêm kiến trúc sư Nguyễn Đinh Khoa (cầm mic) chia sẻ tại chương trình

Thời gian gần đây có nhiều bài báo đã lên tiếng về nguy cơ biến mất của các thành phố, khi nước biển dâng. Theo tác giả Julie Lardon, đây là nguy cơ có thật, đã được nhiều công trình khoa học xác thực. Có rất nhiều quốc gia trên thế giới, cả phương Đông và phương Tây sẽ có những thành phố phải đối diện với nguy cơ này.

Để hạn chế và ngăn chặn nguy cơ này, tác giả Julie Lardon cho rằng, chúng ta cần phải có nhiều sự thay đổi trong chính sách và ứng phó với tình trạng nước biển dâng. Những thành phố đang đối diện với nguy cơ nước biển dâng, chắc chắn sẽ có tình trạng di dân, rời khỏi khu vực bị ngập dưới nước biển.

Nhưng bên cạnh đó, cũng có những sáng kiến của các nhà khoa học hay các nhà kinh tế để giải quyết vấn đề này. “Ví dụ như có sáng kiến xây dựng thành phố nổi trên mặt biển để đáp ứng nhu cầu của người dân ở những khu vực ngập nước”, tác giả Julie Lardon đưa ví dụ.

Tin cùng chuyên mục