Ngân hàng báo lãi, thanh tra thấy lỗ
(SGGPO).- Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, thứ 3 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình gửi đại biểu Quốc hội cho biết, việc cơ cấu lại khu vực ngân hàng, đặc biệt là cơ cấu lại các Ngân hàng thương mại yếu kém vẫn là vấn đề hết sức phức tạp, nhạy cảm.
Hiện nay, để hỗ trợ xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng, trình Bộ Chính trị, Chính phủ Đề án thành lập công ty quản lý tài sản để xử lý nợ xấu một cách tập trung với quy mô lớn, trong đó, tập trung xử lý nợ xấu có tài sản bảo đảm là bất động sản.
Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường công tác thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực trong kinh doanh ngân hàng. Chương trình thanh tra năm 2012 được Ngân hàng Nhà nước triển khai rất quyết liệt với 32 tổ chức tín dụng được thanh tra toàn diện.
Đáng lưu ý, hầu hết các tổ chức tín dụng đều bị giảm kết quả kinh doanh sau thanh tra do phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định. Nhiều Ngân hàng thương mại cổ phần báo cáo có lãi nhưng qua thanh tra thì thấy thực tế là bị lỗ, giảm vốn điều lệ, thậm chí không còn vốn điều lệ như Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Việt, Tiên Phong, Đại Tín, Phương Tây, Dầu khí toàn cầu, Nhà Hà Nội đã phải thực hiện củng cố, chấn chỉnh sáp nhập, hợp nhất.
Tính đến cuối tháng 8-2012, số dự phòng rủi ro đã được các tổ chức tín dụng trích lập chưa sử dụng là 72.907 tỷ đồng, tăng hơn 14.000 tỷ đồng so với cuối năm 2011. Trong 8 tháng đầu năm 2012, số nợ xấu được các tổ chức tín dụng xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro là gần 8.000 tỷ đồng.
Không còn sốt vàng, nhập lậu vàng?
Cũng theo Báo cáo của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, mặc dù giá vàng trong nước và thế giới biến động mạnh, nhưng việc chênh lệch giá này không đi kèm với hiện tượng “sốt vàng”, cũng không kéo theo hiện tượng nhập lậu vàng qua biên giới. Tỷ giá và thị trường ngoại tệ tương đối ổn định, không bị tác động tiêu cực bởi sự biến động giá vàng.
Về việc tổ chức bình ổn giá vàng, Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết, sau khi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành, thị trường vàng trong nước đã được quản lý chặt chẽ theo hướng Nhà nước không khuyến khích nắm giữ vàng miếng. Giá cả của mặt hàng này sau khi có Nghị định 24 không còn tác động tới sự ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là thị trường ngoại tệ và tỷ giá, do đó không nhất thiết phải tổ chức bình ổn giá vàng.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung xây dựng cơ chế mua vàng, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Đây là kênh chính để huy động nguồn lực vàng trong dân nhằm mục tiêu chuyển hóa nguồn lực vàng phục vụ nền kinh tế.
Petrolimex kinh doanh thua lỗ, lương nhân viên vẫn cao
Tổng Kiểm toán Nhà nước vừa có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về kết quả kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối. Kết quả kiểm toán cho thấy, năm 2011, mặc dù lỗ nhưng lương bình quân tại công ty mẹ của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) lên tới 20,961 triệu đồng/người/tháng.
Kết quả kiểm toán cho thấy, tại Petrolimex, tổng quỹ tiền lương thực chi của khối kinh doanh xăng dầu (gồm công ty mẹ và 42 công ty thành viên kinh doanh xăng dầu năm 2011 là 1.392,3 tỷ đồng). Tiền lương bình quân là 6,663 triệu đồng/người/tháng. Riêng tại công ty mẹ, tổng quỹ tiền lương được sử dụng trong năm 2011 là 60,368 tỷ đồng, tăng 1,6% so với năm 2010. Tiền lương thực tế bình quân 20,961 triệu đồng/người/tháng.
ANH THƯ