Tái diễn tình trạng lấn chiếm vỉa hè, không gian công cộng

Sau khi TPHCM từng bước chuyển sang giai đoạn “bình thường mới”, tình trạng chợ tự phát, hàng rong lấn chiếm vỉa hè, khu vực công cộng để buôn bán tái diễn ở nhiều nơi. Ở một số khu vực, hầu như phần vỉa hè bị chiếm trọn, thường xuyên tập trung đông người, không đảm bảo các quy định 5K, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Xuất hiện tràn lan

Trên đường Phạm Văn Bạch (quận Gò Vấp), ghi nhận vào nhiều thời điểm khác nhau, chúng tôi thấy chợ tự phát xuất hiện tràn lan ở lòng đường, vỉa hè. Nhiều tiểu thương bày bán thịt, cá, rau củ kéo dài gần 1km, khiến một đoạn đường bị thu hẹp.

Cách đó không xa, chợ tự phát trên đường Phạm Văn Chiêu tồn tại nhiều năm, vào giờ cao điểm người dân và tiểu thương túm tụm mua bán hai bên lề đường, gây mất an toàn giao thông.

Trên đường Lã Xuân Oai (phường Phước Long A, TP Thủ Đức), tình trạng người dân bày thực phẩm, buôn bán hai bên lề đường khá phổ biến. Khu vực này có nhiều phương tiện lưu thông qua lại, đầy khói bụi dẫn đến vừa mất vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa cản trở lưu thông. 

Chợ tự phát trên đường Cách Mạng Tháng Tám (đoạn trước chợ Hòa Hưng, quận 10) tấp nập, nhộn nhịp không kém. Vào giờ tan tầm, người dân dừng xe để mua bán nên thường xuyên xảy ra cảnh tắc đường.

Tiếp tục rảo qua chợ Ngã Ba Bầu (huyện Hóc Môn), chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Gò Vấp (quận Gò Vấp), chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), chợ Thủ Đức (TP Thủ Đức)…, chúng tôi ghi nhận tình trạng các điểm buôn bán tự phát hoạt động nhộn nhịp tương tự.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện ban quản lý một số chợ cho biết, hiện nay chợ truyền thống ngày càng thưa thớt, vắng khách do chợ tự phát xuất hiện ngày càng nhiều. Một số tiểu thương vì buôn bán ế ẩm nên cũng đã bỏ sạp, chuyển ra các chợ tự phát để tiếp tục buôn bán.

Theo ông Trần Hoàng Phương, Phó Chủ tịch UBND phường 12, quận Gò Vấp, UBND phường thường xuyên kết hợp với bảo vệ dân phố, công an ra quân kiểm tra chợ tự phát trên tuyến đường Phạm Văn Bạch và một số tuyến đường khác trên địa bàn với tần suất 4 lần/ngày, nhắc nhở và tịch thu các phương tiện vi phạm. Đồng thời, khảo sát, hướng dẫn các hộ dân đăng ký giấy phép kinh doanh, cam kết không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh buôn bán.

Tái diễn tình trạng lấn chiếm vỉa hè, không gian công cộng ảnh 1 Chợ tự phát trên đường Phạm Văn Bạch (quận Gò Vấp) buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường

“Khi thấy lực lượng chức năng rời đi thì một số xe đẩy bán hàng rong tiếp tục di chuyển tới, tụ tập buôn bán gây mất trật tự. Sắp tới, UBND phường vẫn sẽ tiếp tục ra quân dọn dẹp, lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè, đặc biệt vào dịp lễ Noel và Tết Dương lịch sắp tới”, ông Phương cho biết.

Không gian công cộng bị thu hẹp

Khu vực bờ kè lô S, cư xá Thanh Đa (phường 27, quận Bình Thạnh) có gắn biển nghiêm cấm các hoạt động kinh doanh buôn bán, nhưng thực tế toàn bộ khu vực từ lòng đường đến khuôn viên đi dạo trên bờ sông đều bị các hàng quán phân chia địa bàn, trưng dụng để bán đồ ăn vặt, quán nhậu, chật kín không còn khoảng trống.

Chị Trần Thị Hạnh, cư dân tại cư xá Thanh Đa, than thở: “Sau giãn cách, nhiều người dân trong khu vực muốn dạo mát, tập thể dục nhưng khu vực vỉa hè, bờ kè hầu hết đều bị các hàng quán lấn chiếm”. Bà Đào Thúy Vân, Phó Chủ tịch UBND phường 27, quận Bình Thạnh, thừa nhận có tình trạng người dân, hàng quán lấn chiếm phần bờ kè lô S, cư xá Thanh Đa để kinh doanh, buôn bán. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng nên UBND phường chỉ ra quân nhắc nhở và xử phạt các hộ dân kinh doanh vi phạm với tần suất 2 lần/tuần.

Mặc dù đã được lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt, nhưng tình trạng buôn bán hàng rong và người dân để xe máy tràn lan trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) vẫn tái diễn, ảnh hưởng lớn đến mỹ quan đô thị. Buổi tối, nhiều xe đẩy hàng rong bán đồ uống, cá viên chiên, bánh tráng… thản nhiên chiếm những vị trí đẹp ngay trong khuôn viên phố đi bộ để xếp bàn ghế mời chào khách vào ngồi ăn uống.

Tái diễn tình trạng lấn chiếm vỉa hè, không gian công cộng ảnh 2

Ông Lê Nguyễn Việt Nam, Phó Chủ tịch UBND phường Bến Nghé, quận 1, thông tin, ngay từ đầu năm UBND phường đã kết hợp với Đội trật tự đô thị, công an phường và Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM (đơn vị chủ quản phố đi bộ) xử lý hàng rong trên phố đi bộ Nguyễn Huệ. Từ khi TPHCM nới lỏng giãn cách, số lượng hàng rong lấn chiếm buôn bán gia tăng trở lại. Hàng ngày vào lúc 18 giờ, các lực lượng phối hợp với nhau để tập trung đi xử lý. Thời gian đầu chủ yếu nhắc nhở, nhưng về sau phường bắt đầu áp dụng biện pháp thu gom, xử phạt người dân vi phạm.

“Sắp tới, UBND phường sẽ phối hợp với Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM đưa ra một số giải pháp, thiết kế barie để không cho hàng rong vào phố đi bộ buôn bán; đồng thời ra quân, tăng cường kiểm tra thường xuyên, xử lý các hàng quán vi phạm”, ông Nam cho hay.

Sau giãn cách, nhu cầu dạo mát, tập thể dục, rèn luyện sức khỏe của người dân TPHCM tăng cao. Tuy nhiên, nhiều khu vực công cộng, mảng xanh tại các công viên, bờ kè đang dần bị thu hẹp do các hàng quán lấn chiếm, trở thành nơi buôn bán tấp nập. Tại những khu vực này thường xuyên xảy ra tình trạng tụ tập đông người, rất nguy hiểm cho công tác phòng chống dịch.

Tin cùng chuyên mục