Tai nạn giao thông gia tăng trên đường cao tốc, quốc lộ

Tai nạn giao thông gia tăng trên đường cao tốc, quốc lộ

Theo Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, dù quý 1-2015, tai nạn giao thông (TNGT) giảm trên cả 3 mặt nhưng tình hình vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Đặc biệt, địa bàn xảy ra TNGT lại tập trung chủ yếu ở khu vực ngoài đô thị.

Lỗ hổng quản lý

Theo đánh giá của Ủy ban ATGT quốc gia, số người chết do TNGT giảm được 3,8% so với cùng kỳ năm 2014 nhưng số vụ TNGT đường thủy tăng cao, đáng lo ngại là số người chết do TNGT đường thủy tăng 53,3%. Đặc biệt, trong tháng 3, tình hình TNGT diễn biến rất phức tạp, so với tháng 3-2014 thì số vụ giảm 6 vụ, số người bị thương tăng và đặc biệt số người chết tăng đột biến 169 người. Những hành vi vi phạm trực tiếp dẫn đến TNGT phổ biến là đi không đúng phần đường, làn đường, vi phạm quy định về tốc độ; phương tiện gây TNGT chủ yếu là mô tô, xe gắn máy chiếm gần 67,7% và ô tô chiếm gần 26,3%; địa bàn xảy ra TNGT chủ yếu là khu vực ngoài đô thị (69,5%). Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm chở quá tải trọng của ô tô tải vẫn diễn biến rất phức tạp, đặc biệt trên địa bàn các địa phương có nhiều mỏ vật liệu và các địa phương có chung đường biên giới với Trung Quốc và Lào; một số chủ xe, lái xe vẫn cố tình vi phạm và có nhiều thủ đoạn đối phó, gây khó khăn cho lực lượng thi hành công vụ.

Xe chở hàng cồng kềnh, quá tải lưu thông trên quốc lộ 1 (quận Bình Tân, TPHCM) như thế này rất dễ gây tai nạn. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng TNGT tăng đột biến trong tháng 3, là do nhu cầu giao thông tăng cao, đặc biệt khu vực ngoài đô thị, các địa điểm diễn ra lễ hội. Bên cạnh những hạn chế chung về ý thức tham gia giao thông thì mức độ sử dụng bia, rượu tăng cao trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán và các ngày lễ trong tháng Giêng dẫn đến tỷ lệ người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong trạng thái nồng độ cồn cao, là nguyên nhân của những hành vi vi phạm khác như đi sai phần đường, làn đường, phóng nhanh, vượt ẩu, không đội nón bảo hiểm, chở quá số người quy định khi đi mô tô, xe máy; vi phạm quy định khi qua đường ngang với đường sắt. Lực lượng tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm trật tự ATGT ở khu vực nông thôn còn mỏng, nghiệp vụ hạn chế; dịch vụ vận tải công cộng kết nối giữa trung tâm tỉnh với các huyện lỵ còn hạn chế. Công tác tổ chức giao thông, bảo đảm an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn chưa được chú trọng, đặc biệt là hầu như chưa quan tâm bố trí biển cảnh báo nguy hiểm, gờ giảm tốc giữa đường phụ và đường chính…

Mới đây, tại hội nghị sơ kết công tác bảo đảm ATGT quý 1-2015 và nhiệm vụ trọng tâm quý 2-2015 trên toàn quốc, ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, nêu thực tế: Ở Khánh Hòa, ngay từ đầu năm, cơ quan chức năng đã chỉ đạo lực lượng tập trung tuần tra kiểm soát ở tuyến quốc lộ 1, vốn là điểm nóng về TNGT. Tuy nhiên, khi bố trí lực lượng tuần tra để kéo giảm TNGT cho tuyến đường này thì TNGT ở đường nội bộ của tỉnh tăng nhiều hơn do thiếu lực lượng tuần tra kiểm soát. Tương tự, ông Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, thông tin: Hiện nay, vi phạm giao thông trên địa bàn chủ yếu ở đường tỉnh, đường huyện, do đường tốt xe đi vào đông. Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam, cho rằng, nguyên nhân về TNGT có rất nhiều nhưng tựu trung có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất là vấn đề quản lý lái xe hiện nay hết sức lỏng lẻo từ khâu đào tạo đến quản lý. Cụ thể, hiện nay có một số doanh nghiệp, HTX phó thác cho lái xe tự tung tự tác trên đường, chưa quan tâm quản lý đội ngũ lái xe. Thứ hai, vấn đề xử lý vi phạm chưa nghiêm minh, chưa đủ sức răn đe.

Quy trách nhiệm người đứng đầu địa phương

Theo Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, để kéo giảm TNGT, thành ủy, tỉnh ủy ở các địa phương phải làm nghiêm túc, quy trách nhiệm người đứng đầu. Bên cạnh đó, cần trang bị trang thiết bị cho lực lượng thực thi công vụ, đủ sức hoàn thành trách nhiệm của mình. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hiển, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, đề xuất xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong vấn đề đảm bảo ATGT; tăng cường tập huấn công tác đảm bảo ATGT cho các lực lượng. Việc xử phạt phải nghiêm minh, công bằng và quyết liệt hơn nữa. Ông Lê Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, cho rằng, chỉ tiêu về TNGT là chỉ tiêu mà tất cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Do đó, ngoài 16 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, cần đưa thêm chỉ tiêu về TNGT vào để kéo giảm một cách bền vững. Ngoài ra, đối với vấn đề xử phạt vi phạm, không phải để thu được nhiều tiền mà để răn đe không tái phạm nên cần thực hiện nghiêm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thanh đề nghị nhanh chóng xã hội hóa hình thức xử phạt, đưa camera vào lắp đặt trên các tuyến đường để khai thác dữ liệu xử phạt cho chính xác. Mặt khác, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào để xử phạt cho nghiêm minh. Về vị trí đặt trạm cân, cần bố trí cho hợp lý để ngăn không cho xe quá tải lưu thông. Bên cạnh đó, chủ đầu tư các công trình hạ tầng giao thông như đường cao tốc, quốc lộ nếu phát hiện xe quá tải đi vào, phải cương quyết không cho lưu thông. Ngoài ra, xử lý quyết liệt đối tượng sử dụng bia, rượu khi tham gia giao thông.

ĐÌNH LÝ

Tin cùng chuyên mục