Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trịnh Đình Thu
Có những con người gắn bó với lịch sử, từng cất giữ trong đầu, trong tim thật nhiều ký ức, hoài bão tuổi trẻ qua cuộc chiến. Để rồi khi tất cả qua đi, họ vẫn không phút giây nào ngơi nghỉ cống hiến. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trịnh Đình Thu (ảnh) là một người như thế.
Kể chuyện đời bằng ảnh
“Tôi có rất nhiều câu chuyện, nhiều điều muốn chia sẻ, muốn kể lại cho con cháu nghe thông qua những bức ảnh của mình”, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Trịnh Đình Thu chia sẻ. Thật khó tin rằng một ngày ông có thể nói lên ước muốn giản dị của mình như vậy. Bởi ông biết, khi ông ra đi thì những bức ảnh, những câu chuyện kể sống động ấy sẽ vĩnh viễn theo ông về bên kia miền ký ức. Gặp ông vào những ngày ông phải liên tục ra vào bệnh viện vì tuổi cao, sức yếu, nghe ông cuống quýt nói, vội vàng chia sẻ những gì mà chắc chắn trước đây khi còn khỏe ông chỉ khoát tay cười, bảo - có gì đâu!
Có những chuyện nhớ lại làm ông bật cười, cũng không ít chuyện khiến ánh mắt ông xa xăm. Và rồi những gì ấn tượng nhất, sâu đậm nhất trong ông vẫn là chuyện về những năm tháng chiến tranh mà ông không chỉ là chứng nhân, mà còn là người trong cuộc. Nơi đầy ắp những khuôn mặt bạn bè, đồng đội cùng ông vào sinh ra tử. Một thời oanh liệt, khốc liệt nhưng ngập tràn kỷ niệm. “Buồn ít hơn vui...”, ông nói.
NSNA Trịnh Đình Thu sinh năm 1922. Ở Hội Nhiếp ảnh TPHCM, ông nổi tiếng khẳng khái, dung dị, khiêm cung, rất ít khi chịu nói về mình. Chính vì thế ít ai biết ông là một nhà hoạt động nội thành bền bỉ, kiên gan; từng sát cánh với nhà cách mạng Nguyễn Trọng Tuyển - khi còn là Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh - trong phong trào, mặt trận đấu tranh tư tưởng - văn hóa miền Nam trước năm 1975. Ông là người sáng lập Nhà ảnh Đống Đa, làm nơi tụ họp, trao đổi thông tin của văn nghệ sĩ, báo chí, đội ngũ trí thức yêu nước Sài Gòn. Ông cũng chính là người sáng lập và điều hành Nhà xuất bản Sóng Mới, quy tụ nhiều nhà văn tên tuổi, yêu nước, những cây bút cách mạng như Viễn Phương, Dương Tử Giang, Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Bảo Hóa... chuyên xuất bản các loại “sách hồng”, nội dung vận động sinh viên học sinh đấu tranh đòi độc lập, thống nhất đất nước.
Năm 1958, ông là một trong số những thành viên tích cực tham gia phong trào “Ký giả ăn mày” - do Hội Chủ báo, Nghiệp đoàn Ký giả Việt Nam và Hội Ái hữu ký giả Sài Gòn tổ chức. Một cuộc xuống đường của tầng lớp trí thức yêu nước, yêu chuộng hòa bình, chống chiến tranh, được quần chúng công khai ủng hộ đông đảo. Và ông bị bắt cùng với các nhà văn, nhà báo, luật sư, dân biểu Nam Đình, Trần Tấn Quốc, Hồ Ngọc Nhuận, Lý Quý Chung, Nguyễn Hữu Chung, Kiều Mộng Thu, Tô Nguyệt Đình, Văn Mại, Quốc Phượng, Sơn Nam… Sau khi ra tù, ông tiếp tục được phân công công tác tại Tiểu ban an ninh Trung ương Cục miền Nam cho đến năm 1975, thống nhất đất nước.
Đam mê nhiếp ảnh
Trước đó, ngay từ khi ở độ tuổi thiếu niên, rồi thanh niên, ông đã ý thức được vai trò của mình và tình nguyện tham gia vào đội ngũ Quân chính Tự vệ thành, trở thành Trưởng ban Tự vệ thành Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Sau đó, ông nhập ngũ vào Trung đoàn chủ lực Tây Ninh 331, làm Tổ trưởng Tổ Nghiên cứu Ban chính trị Trung đoàn 331, thành viên Ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quân dân chính. Tóm lại, suốt hai cuộc trường kỳ kháng chiến, ông được tín nhiệm, được giao nắm giữ nhiều vai trò trọng yếu nên bị bắt, bị tù đày đến ba lần, nhưng vẫn giữ vững khí tiết của một chiến sĩ kiên gan vì lý tưởng cách mạng của mình.
Chiến tranh kết thúc, ông trở về với niềm đam mê nhiếp ảnh và đã đóng góp rất lớn vào việc xây dựng nên nền nhiếp ảnh thành phố. Ông là một tay máy với góc nhìn vừa lãng mạn, vừa mạnh mẽ, quyết liệt, bất chấp tuổi tác, một nghệ sĩ giàu tâm huyết với nhiếp ảnh thành phố. Ông tiếp tục điều hành Nhà ảnh Đống Đa (sau chuyển thành Xí nghiệp ảnh màu Đống Đa), Phó Giám đốc Công ty Nhiếp ảnh TP, Phó Tổng thư ký Hội Nhiếp ảnh TPHCM, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, đại biểu Hội đồng nhân dân TPHCM khóa II.
Ngoài công tác điều hành, ông còn là một trong những nhà nghiên cứu đầu tiên về ảnh màu ở thị trường Việt Nam, là người đầu tiên đưa máy móc, dây chuyền rửa ảnh màu vào TPHCM, đáp ứng nhu cầu chơi ảnh ngày càng cao của người dân thành phố. Ông cũng là người đầu tiên ứng dụng Minilab 27 vào thị trường trong nước, bước đầu công nghiệp hóa ngành ảnh Việt Nam. Ông là một trong số những người đầu tiên sáng lập, xây dựng Công ty Nhiếp ảnh thành phố và Hội Nhiếp ảnh TPHCM.
Ở tuổi hưu trí, ông đồng sáng lập và nhiều năm liền được tín nhiệm giao giữ chức Chủ tịch Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Người cao tuổi TPHCM. Từ đó, ông liên tục cầm máy cùng bạn bè, đồng đội lặn lội lên rừng xuống biển, vào Nam ra Bắc, có mặt khắp các công trình trọng điểm từ quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Trân trọng - một tác phẩm của NSNA Trịnh Đình Thu
Năm nay bước vào tuổi 93, sức khỏe NSNA Trịnh Đình Thu đã yếu đi nhiều, nhưng trí tuệ, nhất là tinh thần ông vẫn minh mẫn, đặc biệt bản tính lạc quan, yêu đời, hóm hỉnh... Quý trọng nhân cách cũng như tài năng của một nghệ sĩ cả đời dốc lòng vì đất nước và sự phát triển của ngành nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Nhiếp ảnh TPHCM đang tiến hành in sách ảnh Đất nước - qua ống kính NSNA Trịnh Đình Thu từ kho ảnh khổng lồ gồm hàng chục ngàn tác phẩm của ông, tuyển chọn thành một tập thật đầy đặn, nhằm vẽ lên được ít nhiều chân dung cuộc đời và sự nghiệp của một lão chiến sĩ - nghệ sĩ kiên trung.
SONG PHẠM