Tại sao giá điện tăng?

Liên tục từ tháng 4 đến tháng 6-2020, nhiều người dân phản ánh tiền điện tăng đột biến. Chỉ riêng tháng 6, ngành điện có hơn 7,6 triệu khách hàng phản ánh giá điện tăng hơn 30% so với các tháng trước. 

Để làm rõ, Bộ Công thương, Bộ KH-CN phối hợp Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã lập đoàn kiểm tra thực tế. Kết quả kiểm tra cho thấy, ngoại trừ do công tơ hư, bị lỗi khi vận hành, nhiều trường hợp lỗi khác xảy ra là từ nhân viên ghi chỉ số điện. 

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện cả nước có hơn 28 triệu hộ dùng điện, trong đó hơn 50% dùng công tơ điện tử. Đối với hộ dùng công tơ cơ, nhân viên điện lực phải đến từng nhà đọc bằng máy để nhập số; với công tơ “bán điện tử”, nhân viên dùng thiết bị đọc từ xa, trong khoảng cách 30m thì chỉ số tự động nhập vào máy; còn với loại công tơ điện tử, chỉ số sẽ truyền dẫn về trung tâm. Tất cả trường hợp sai chỉ số đều là hộ đang dùng công tơ cơ.

Trung bình mỗi ngày, một nhân viên ghi chỉ số phải đọc khoảng 300 công tơ cơ và công tơ “bán điện tử”. Do phải nhìn chữ số với số lượng lớn, kèm theo thời tiết nắng nóng, đã khiến nhân viên ghi chỉ số nhìn nhầm hoặc nhân viên văn phòng nhập sai số… Theo quy định, nhân viên ghi số điện buộc phải ghi đúng ngày, nếu chậm không quá một ngày. Vì lý do này nên khi đến các hộ vắng nhà, dù đã để lại tin nhắn nhưng không liên lạc được với chủ hộ, nhiều nhân viên đã dùng chỉ số của tháng trước để tạm tính cho tháng mới, dẫn đến tiền điện thu không đúng thực tế sử dụng.

Ngoài ra, việc điều chỉnh giá điện vào đúng mùa cao điểm nắng nóng, người dân sử dụng nhiều quạt, máy điều hòa, lượng điện tiêu hao nhiều hơn bình thường cộng với giá điện mới, tiền điện tăng cao khiến nhiều hộ dân phản ứng. 

Sau đợt kiểm tra, EVN đã yêu cầu các công ty điện lực trực thuộc thực hiện nghiêm việc ghi chỉ số, khắc phục các trường hợp sai sót. Ngành điện đã đưa vào sử dụng phần mềm cảnh báo cho khách hàng khi chỉ số điện tăng bất thường hơn 30%. Nhân viên kiểm soát phải thực hiện xác minh, phúc tra chỉ số trước khi lập hóa đơn. Những trường hợp sai sót phản ánh đều được tiếp nhận giải quyết và tiến hành thoái hoàn tiền điện cho khách hàng trong vòng 24 giờ. 

Để hạn chế sai sót, EVN sẽ đẩy nhanh việc thay thế công tơ điện tử, theo lộ trình đến năm 2025, Hà Nội, TPHCM, các tỉnh miền Trung, khu vực thành phố, thị xã thuộc miền Bắc và miền Nam sẽ được thay thế 100% công tơ điện tử, các khu vực khác là 50%.

Tin cùng chuyên mục