Dọc theo những bờ biển hoang tàn sau thảm họa động đất gây sóng thần hồi tháng 3 ở miền Đông Bắc Nhật Bản, các công trình tái thiết đang được khẩn trương xây dựng. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản đã chuyển ưu tiên lâu dài trong chiến lược xây dựng tái thiết đối với những khu vực này theo hướng “tái thiết xanh”. Theo đó, các thành phố mới sẽ có môi trường trong lành, thích nghi với sự già hóa của xã hội và quản lý thảm họa trong tương lai.
Theo báo CSMonitor, áp lực của vụ rò rỉ khí thải từ lò phản ứng hạt nhân ở Fukushima cũng là cơ hội để xây dựng lại bằng cách sử dụng các công nghệ mới bền vững giúp giảm sự phụ thuộc vào than đá và năng lượng hạt nhân. Do vậy, các quy hoạch tái thiết hậu sóng thần đã chuyển sang quy hoạch sinh thái. Một đề án đắp đồi nhân tạo tại các khu vực trọng yếu ven biển và trồng rừng nhằm làm giảm thiệt hại do những trận sóng thần bất ngờ đang được triển khai. Những quả đồi này sẽ có độ cao từ 10m - 20m, trên đồi trồng cây gây rừng, vừa giảm thiểu tối đa thiệt hại do sóng thần, đồng thời chống hiện tượng xâm mặn đất canh tác và sa mạc hóa.
Sau khi trận sóng thần kinh hoàng qua đi, người ta đã nhận thấy rằng, ở những khu vực có rừng phòng hộ ven biển đã giảm thiểu được rất nhiều thiệt hại về nhà cửa và các công trình xây dựng. Tàu thuyền và những khối rác khổng lồ do sóng thần quét vào bờ là một trong những tác nhân phá hủy mạnh mẽ các công trình dân sinh đã được rừng phòng hộ chặn lại, đồng thời xung lực từ khối nước khổng lồ ập vào bờ đã được giảm nhẹ rất nhiều. Đây là bài học quý giá rút ra từ thực tiễn thảm họa, chính thành phố Hachinohe, quận Aomoni nhờ có đai rừng phòng hộ ven biển đủ chiều sâu đã giảm thiểu được rất nhiều thiệt hại so với các địa phương khác.
Để thực hiện, giới khoa học Nhật Bản đã đề xuất ý tưởng tái chế những đống đổ nát từ sau thảm họa để tạo thành đê ngăn sóng thần hoặc những quả đồi nhân tạo. Mặc dù trước đó, vấn đề xử lý hàng triệu tấn rác, gồm những mảng vỡ của các tòa nhà và những công trình đổ nát khác là trở ngại nghiêm trọng cho việc tái thiết đất nước.
Theo ước tính sơ bộ của Bộ Môi trường Nhật Bản, khối lượng rác thải khoảng trên 23 triệu tấn. 42 trong số 47 địa phương đã đồng ý tiếp quản việc xử lý rác sau thảm họa. Tuy nhiên, qua 4 tháng tiến hành thu dọn sau thảm họa thiên tai và tai nạn kỹ thuật, số lượng rác tiêu hủy không quá 30%.
Bên cạnh đó, theo quy hoạch tái thiết, tất cả những ngôi nhà mới dựng lên sẽ được lắp những tấm pin năng lượng mặt trời, các hộ ven biển được khuyến khích nuôi trồng rong biển để làm nhiên liệu sinh học. Chiến lược của người Nhật nhằm tạo nên những cộng đồng sống nhỏ gọn, có thể di chuyển được.
Tái thiết bền vững tại Nhật Bản sẽ không được gọi là “bền vững” nếu không xem xét các ưu tiên này. Như Bộ trưởng Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Takeshi Maeda cam kết: “Nhật Bản sẽ tạo vùng tái thiết thành một mô hình kiểu mẫu cho phần còn lại của đất nước Mặt trời mọc. Chúng tôi sẽ làm tất cả mọi thứ để xây dựng những thành phố thông minh và xây dựng một xã hội bền vững, ít carbon (low-carbon society) trong khu vực”.
HẠNH CHI