Tâm điểm Trung Quốc

Quan hệ với Trung Quốc luôn là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Điều đó giải thích vì sao từ trước tới nay, trong mọi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, chiến lược trong quan hệ với Trung Quốc trở thành tâm điểm của các cuộc tranh luận giữa các ứng viên tổng thống. Đó cũng là nội dung lớn trong cuộc tranh luận giữa đương kim Tổng thống Barack Obama và ứng viên đảng Cộng hòa Mitt Romney ngày 22-10.

Quan hệ với Trung Quốc luôn là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Điều đó giải thích vì sao từ trước tới nay, trong mọi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, chiến lược trong quan hệ với Trung Quốc trở thành tâm điểm của các cuộc tranh luận giữa các ứng viên tổng thống. Đó cũng là nội dung lớn trong cuộc tranh luận giữa đương kim Tổng thống Barack Obama và ứng viên đảng Cộng hòa Mitt Romney ngày 22-10.

Theo đài Tiếng nói nước Nga, trong cuộc tranh luận này, Mỹ đã đưa ra lời thách thức chưa từng thấy đối với Trung Quốc. Hai ông Barack Obama và Mitt Romney đều gọi Trung Quốc là đối thủ của Mỹ. Tổng thống đương nhiệm Barack Obama mô tả Trung Quốc như một đối tác tiềm năng trong cộng đồng quốc tế, nhưng chỉ khi nào “Bắc Kinh hành động theo các quy tắc”. Mitt Romney cũng tự cho phép mình thừa nhận rằng Mỹ và Trung Quốc có thể là một đối tác, chứ không chỉ là đối thủ. Ông ta thậm chí còn công nhận quyền của Trung Quốc phát triển nền kinh tế của mình để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Tuy nhiên, ông Romney cam kết nếu thắng cử, trong ngày làm việc đầu tiên sẽ tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ. Nói về triển vọng phát triển quan hệ song phương, ông Romney nói rằng Bắc Kinh “cần phải chơi theo luật”. Ông Alexander Larin, chuyên gia Nga tại Viện nghiên cứu Viễn Đông, cho rằng do xung đột trong quyền lợi toàn cầu tăng lên, Trung Quốc tăng cường vị thế của mình trên các vùng biển, ở châu Âu, châu Phi và châu Mỹ Latinh. Từ một cường quốc khu vực, Trung Quốc thực sự trở thành cường quốc toàn cầu. Mỹ không muốn cho Trung Quốc củng cố vị thế này. Theo ông Larin, nếu tình trạng này vẫn tiếp tục, mối quan hệ sẽ tiếp tục xấu hơn.

Thế nhưng, theo chuyên gia về quan hệ Mỹ-Trung tại Đại học Susan Shirk viết trên tờ Wall Street Journal, so với các bài diễn văn và tranh luận trước đây, trong cuộc tranh luận này, ông Romney có vẻ ôn hòa hơn với Trung Quốc. Còn theo ông Chu Phong, chuyên gia về quan hệ Mỹ-Trung tại Đại học Bắc Kinh, bất chấp quan điểm cứng rắn của ông Obama về chính sách tiền tệ của Trung Quốc, cả đảng Dân chủ và Cộng hòa Mỹ đều muốn tập trung vào việc thúc giục Trung Quốc công bằng hơn trong các vấn đề về kinh tế và thương mại. Đó là những gì họ quan tâm hơn là chuyện nhân quyền hay an ninh.

Cũng chính vì quan điểm cứng rắn với Trung Quốc của hai ứng viên tổng thống Mỹ, ngay sau cuộc tranh luận nói trên, theo Tân Hoa xã, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã nhắc nhở hai ứng viên này rằng: “Bất kỳ đảng phái nào của Mỹ cũng nên xem sự phát triển của Trung Quốc là một thực tế khách quan và hợp lý, đồng thời đóng góp nhiều hơn cho sự hợp tác và tin cậy giữa hai bên”.

Theo Đài Tiếng nói nước Nga, những lời lẽ chống Trung Quốc sẽ mang đến cho hai ông Barack Obama và Mitt Romney số phiếu nhất định trong cuộc bầu cử tổng thống. Tuy nhiên, mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc hầu như sẽ chẳng được lợi lộc gì. Tổng thống Mỹ, cũ cũng như mới, trong bất kỳ trường hợp nào cũng sẽ phải đàm phán với Trung Quốc về tỷ giá nhân dân tệ, về xuất khẩu của Trung Quốc, về chống vi phạm bản quyền. Bởi vì Trung Quốc là chủ sở hữu trái phiếu nợ của chính phủ Mỹ lớn nhất thế giới. Hàng xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc cho phép người Mỹ mỗi năm tiết kiệm hàng chục tỷ USD.

Khánh Minh

Tin cùng chuyên mục