Tâm hồn trẻ mãi

Thầy giáo Uông Thời Dụng, năm nay 95 tuổi, được coi là người không tuổi ở Trường Trung học số 6 thành phố Hàng Châu, Trung Quốc. 
 Thầy Uông tại lễ kỷ niệm 90 năm thành lập Trường Trung học số 6 Hàng Châu
Thầy Uông tại lễ kỷ niệm 90 năm thành lập Trường Trung học số 6 Hàng Châu

Theo Trần Lập Anh, hiệu trưởng trường này, dù đã nghỉ hưu hơn 30 năm nhưng thầy Uông vẫn đều đặn đến trường chia sẻ kinh nghiệm dạy và học cho các thầy cô giáo, học sinh của trường. Điều đáng nói là tuy tuổi rất cao nhưng ông vẫn đi lại không cần ai giúp đỡ, thậm chí ông còn tham gia các mạng xã hội như Wechat, Weibo để cập nhật tin tức đời sống xung quanh và cùng các nhiếp ảnh gia đi khắp nơi lưu lại những bức ảnh về cảnh đẹp của thiên nhiên và con người.

Thầy Uông sống cùng người vợ 92 tuổi mắc bệnh Parkinson ở ngoại ô phía Tây Hàng Châu. Trước khi ngồi xe buýt hơn 1 tiếng đồng hồ đến trường, ông đã lo liệu chu tất đồ ăn cho người vợ ở nhà. Người thầy 95 tuổi có mái tóc bạc trắng như cước, khuôn mặt dù có nhiều nếp hằn của năm tháng nhưng vẫn trông như người 70 tuổi. Ông vẫn tham gia mọi hoạt động của trường. Thầy Uông cho biết sức khỏe vẫn khá ổn, tai nghe rõ, mắt cận thị nhưng nhìn cảnh vẫn chưa nhòe, mỗi ngày đều tập thể dục sáng sớm và đi bộ vài cây số.

Trong dịp lễ 90 năm thành lập trường, một học trò của thầy Uông từ năm 1964 là Hứa Bồi Nguyên bày tỏ sự khâm phục thầy cũ của mình rằng thầy Uông không chỉ khỏe mạnh mà còn sử dụng thông thạo smartphone, máy tính. Cả thầy Uông và Hứa Bồi Nguyên đều lấy ra chiếc điện thoại thông minh và mở nhóm WeChat Trường Trung học số 6 Hàng Châu khóa 1964 trong đó có một đoạn đối thoại mà thầy Uông thông báo cho các học trò giờ giấc, địa điểm, phông chữ WeChat của thầy Uông có kích thước bình thường, trong khi của Hứa Bồi Nguyên phải dùng phông chữ phóng đại. Hứa Bồi Nguyên, hiện là Trưởng khoa Thần kinh ngoại tại Bệnh viện số 1 Hàng Châu, khi nói về thầy Uông giọng của ông tràn đầy lòng biết ơn: “Ông ấy chính là vị ân sư của tôi, nhờ sự dạy dỗ tận tâm của thầy mà tôi mới đậu đại học và sau này làm việc gì cũng noi theo gương của thầy”.

Sau khi về hưu, thầy Uông cảm thấy quá nhàn rỗi nên đã đến trường giáo dục dành cho người lớn để quản lý sinh viên, đến năm tuổi 70 còn đi học khóa nhiếp ảnh trong hệ thống trường đại học dành cho người lớn tuổi. Nói về nhiếp ảnh, đây là niềm đam mê mà thầy Uông luôn nuôi dưỡng. Từ năm 40 tuổi, thầy Uông bắt đầu chơi nhiếp ảnh và đến nhiều nơi ở Trung Quốc như Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Bắc Kinh, Thượng Hải, Phúc Kiến... để chụp ảnh phong cảnh.

Thầy Uông cho biết: “Ban đầu, tôi không nghiên cứu một cách có hệ thống nên chụp ảnh không đẹp lắm, sau này tôi đi học thì thường đi chụp ảnh với những người bạn học và học hỏi được rất nhiều điều hay. Khi tôi 90 tuổi, tôi thường đi đến vùng đất ngập nước Tây Khê, dành nửa ngày hay một ngày dạo quanh đó để chụp ảnh”. Chia sẻ những lời khuyên, thầy Uông tiết lộ tâm trí trẻ trung là chìa khóa cho sức khỏe. Người lớn tuổi cũng cần có một đam mê nào đó để không bị lạc hậu với thời thế, mỗi tuần thầy đều đi chụp ảnh, nhờ đó cơ thể luôn vận động tích cực, thấy nhiều cảnh đẹp cũng làm đầu óc thư giãn, hơn nữa còn có thể kết bạn và làm giàu tinh thần cho cuộc sống của mình.

Tin cùng chuyên mục