
Hơn 1 năm qua, những cánh rừng đầu nguồn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) bị băm nát bởi nạn khai thác quặng thiếc trái phép. Tại các khu rừng nơi đây, có hàng ngàn người đang hì hục đào, đãi quặng trái phép, trong khi chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để. Mỗi ngày lại có thêm những cánh rừng bị mất, kéo theo sự suy kiệt môi trường sống...

Bắt quả tang một vụ vận chuyển thiếc trái phép.
Đổ bộ...
Con đường rừng độc đạo từ ngã ba cầu Tà Lung đến tiểu khu 193 thuộc xã Khánh Thành mùa này lầy lội hơn, bởi hàng ngày có hàng trăm lượt người ra vào rừng. Trên con đường gần chục cây số, chúng tôi bắt gặp hơn chục tốp người, kẻ ra người vào rừng thay nhau khai thác, vận chuyển thiếc. Do lợi nhuận cao, nên đầu nậu tứ xứ tìm về đây khai thác thiếc ngày một nhiều, trong đó có cả những tay khai thác thiếc chuyên nghiệp ở Lâm Đồng, Nghệ An, Thanh Hóa và cả tận Thái Nguyên.
Sau hơn 2 giờ vật lộn với đường rừng nhọc nhằn, chúng tôi đến được lõi rừng Khánh Thành. Tại đây, hình ảnh đập vào mặt chúng tôi là hàng loạt điểm khai thác thiếc công khai, với hàng trăm người lấm lem bùn đất hì hục đào đãi.
Một người tên Hải từ dưới hầm thiếc nhảy lên hỏi chuyện: “Các anh vào làm cho sếp Thắng à? Nếu làm cho anh Thắng thì đồng nghiệp nhé, anh Thắng chi cũng sòng phẳng lắm, yên tâm đi”. Thắng người gốc Nghệ An nên có biệt danh “Thắng Nghệ” vào Cam Lâm (Khánh Hòa) sống khá lâu. Một năm trước, nghe rừng Khánh Thành có thiếc, Thắng lên dựng quán bán tạp hóa. Tuy nhiên, đó chỉ là cớ để Thắng làm nghề gom thiếc và dần dần trở thành đầu nậu thu gom thiếc có tiếng tại Khánh Thành. Để chủ động nguồn hàng, Thắng liên hệ với nhiều tay đào thiếc có tiếng trên địa bàn về làm, Thắng chịu trách nhiệm bao tiêu hàng, lo ăn uống, cung ứng dịch vụ. Không lâu sau, Thắng sở hữu một đội quân hùng hậu để trực tiếp khai thác thiếc.
Những người khai thác thiếc đến đây có những lựa chọn khác nhau. Nếu không có thực lực, kinh nghiệm thì làm thuê kiếm cả triệu đồng mỗi ngày, nên nhiều người chọn phương án này. Còn ai có máu mặt, kinh nghiệm trong chuyện đãi thiếc thì tự dựng lán trại riêng, sau đó kéo quân vào khai thác, miễn không đụng chạm đến ai. Do rừng Khánh Vĩnh có nhiều thiếc, địa hình phức tạp dễ chạy trốn khi bị các cơ quan chức năng kiểm tra truy đuổi, nên chỉ trong một thời gian ngắn đã có hàng chục nhóm kéo đến lập quyền cát cứ, phân chia lãnh địa khai thác thiếc. Nếu không tính các nhóm nhỏ lẻ, rừng Khánh Thành và Khánh Phú có đến hơn 20 chủ bưởng với cả ngàn người đào, đãi quặng thiếc, như một đại công trường.
Hủy hoại môi trường
Tại khu vực suối Gia Rú, suối lớn nhất rừng Khánh Thành, dọc hai bên suối, hàng ngàn cây rừng đường kính 0,3-0,8m bật gốc nằm ngổn ngang. Những tảng đá lớn bao đời nay nằm chắn đất, chắn cát, điều tiết dòng chảy bị đào bới, nằm lăn lóc. Rừng Khánh Thành vốn nguyên sinh từ xưa, bây giờ trở nên xác xơ bởi những hầm hố thiếc, chẳng khác gì bị đánh bom.

Suối Gia Rú, rừng Khánh Thành (Khánh Hòa) bị băm nát bởi việc đào hầm khai thác thiếc.
Chúng tôi ngược suối Gia Rú để thâm nhập vào rừng Khánh Phú, địa bàn bị khai thác sớm nhất. Những cánh rừng nơi đây còn tan hoang gấp bội. Ở đây có cả dấu tích các hầm khai thác thiếc đã bị đánh sập, lẫn những hầm vừa mới đào. Chứng kiến bằng mắt thường, tại rừng Khánh Phú, hiện có đến hàng chục héc-ta rừng gần như bị san bằng, nhất là khu vực rừng dọc suối Khế, có đoạn rừng bị tàn phá trắng liền kề hàng ngàn mét vuông. Nhìn cảnh này, chúng tôi hình dung những trận lũ cuốn băng băng đất đá, cây rừng đổ về hạ du… Nghiêm trọng hơn, với kiểu khai thác tận diệt như thế này, những cánh rừng không có cơ hội tái sinh.
Khánh Vĩnh là huyện miền núi, vốn dĩ nước sạch đang thiếu trầm trọng, lâu nay, hàng ngàn hộ dân sống dựa vào nguồn nước từ suối Khế, suối Gia Rú chảy qua. Rừng phòng hộ đầu nguồn bị tàn phá như thế này đồng nghĩa với việc cả ngàn người dân các xã Khánh Thành, Sông Cầu, Khánh Phú và thị trấn Khánh Vĩnh phải sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm.
Vào giữa năm 2011, trước nạn khai thác thiếc trái phép xuất hiện tại các khu vực rừng Khánh Vĩnh, chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều cuộc truy quét. Tuy nhiên, nạn khai thác thiếc ngày càng rầm rộ, công khai. Hiện nay có đến hàng chục nhóm, trong đó có 5 nhóm đầu sỏ đang thao túng. Nghiêm trọng hơn, các nhóm khai thác thiếc này luôn bất đồng vì lợi ích, nên không ít lần xảy ra xung đột, sát phạt nhau, có ít nhất 3 nhóm sử dụng hung khí. Trên đường đi, chúng tôi bắt gặp một số vỏ đạn súng AK rơi vãi, những viên đạn này được bắn ra trong các lần tranh chấp địa phận làm ăn.
Trước sự lộng hành của thiếc tặc, UBND huyện Khánh Vĩnh đã chỉ đạo hai xã Khánh Phú và Khánh Thành truy quét, đẩy đuổi các đối tượng ra khỏi rừng. Tính đến thời điểm này, lực lượng chức năng của xã Khánh Thành đã phá hủy hơn 300 lán trại, tịch thu hàng ngàn công cụ khai thác thiếc và đuổi ra khỏi rừng hàng trăm đối tượng. Tuy nhiên, đối tượng bị đuổi vẫn vào rừng, khi lực lượng truy quét đi khỏi.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Công an xã Khánh Thành, việc truy quét như hiện nay chỉ là biện pháp tạm thời, hiệu quả không cao. Do lực lượng quá mỏng, thiếu công cụ hỗ trợ, trong khi đó thiếc tặc rất hung dữ, có thể chống người thi hành công vụ bất cứ lúc nào. Giữa rừng bao la, khi lực lượng chức năng đến nơi, các đối tượng đã tẩu thoát vào rừng sâu. Khi lực lượng chức năng rời rừng, các đối tượng quay trở lại khai thác. Hơn nữa, các đối tượng đến từ nhiều nơi, nên rất khó quản lý, tuyên truyền, vận động...
| |
NHÓM PHÓNG VIÊN