Kỷ niệm 82 năm Ngày truyền thống dân vận của Đảng

Tăng cường dân vận để thực hiện tốt Nghị quyết 16

Phát triển mạnh phong trào “dân vận khéo”
Tăng cường dân vận để thực hiện tốt Nghị quyết 16

Ngày truyền thống dân vận của Đảng năm nay (15-10-1930 – 15-10-2012) diễn ra vào thời điểm Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020” vừa ra đời. Nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, trực tiếp và toàn diện đến sự phát triển của TPHCM này đang đặt ra cho công tác dân vận một nhiệm vụ hết sức nặng nề.

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải thăm hỏi chủ nhà trọ tại Thủ Đức đã chia sẻ khó khăn với công nhân khi không tăng giá nhà trọ. Ảnh: Việt Dũng

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải thăm hỏi chủ nhà trọ tại Thủ Đức đã chia sẻ khó khăn với công nhân khi không tăng giá nhà trọ. Ảnh: Việt Dũng

Phát triển mạnh phong trào “dân vận khéo”

Nhằm tạo sự đồng thuận cao trong nghị quyết, các cấp ủy Đảng cần tiếp tục chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện tốt Quyết định số 489-QĐ/TU của Thành ủy TPHCM về Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị thành phố và Chương trình hành động số 24-CTrHĐ/TU của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng bộ TP về công tác vận động nhân dân từ nay đến năm 2015. Đây là điều kiện bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng, củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Hệ thống chính trị của thành phố cần tăng cường phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; bồi dưỡng nâng cao tinh thần yêu nước, ý thức độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội; tổ chức và vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách về an sinh xã hội, chăm lo lợi ích thiết thực, chính đáng, hợp pháp của các giới, các tầng lớp nhân dân, nắm chắc tình hình nhân dân; nắm tình hình sản xuất, kinh doanh, đời sống của công nhân, lao động trên địa bàn, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các loại hình doanh nghiệp.

Các cấp ủy Đảng ở các cơ quan hành chính Nhà nước tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung kịp thời các chính sách đối với các giai cấp, các giới; tiếp tục cải tiến thủ tục và công khai các thủ tục để dân biết và thực hiện; nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân; nâng cao ý thức, trách nhiệm, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân trong công việc hàng ngày, khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp trong thực thi công vụ của mỗi cán bộ, công chức, viên chức. Phải xây dựng và thực hiện các quy chế về trách nhiệm công vụ, về trách nhiệm phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước để dân biết, theo dõi, giám sát; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết kịp thời, thỏa đáng các nguyện vọng hợp pháp, chính đáng các khiếu nại, tố cáo của công dân; gắn việc thực hiện đầy đủ các quy định của Quy chế dân chủ ở cơ sở trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, biểu dương các đơn vị thực hiện tốt để xây dựng lòng tin với nhân dân, góp phần tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân. Trong tổ chức thực hiện, cần khuyến khích, phát triển phong trào “Dân vận khéo” ở cơ quan, đơn vị. Mỗi cán bộ, công chức cần phải học tập, rèn luyện nhiều hơn trong thực thi công vụ, vui vẻ khi tiếp xúc với nhân dân, biết xin lỗi nhân dân khi làm sai, cám ơn nhân dân khi được góp ý với tinh thần gần dân, hiểu dân, học dân; tôn trọng dân, nghe dân nói, nói dân nghe, làm dân tin, có trách nhiệm với dân.

Hướng về cơ sở, chăm lo hội viên

Thông qua phong trào thi đua yêu nước và chăm lo đời sống nhân dân, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường tập hợp các giới vào tổ chức bằng nhiều hình thức đa dạng theo ngành nghề, sở thích, năng khiếu, qua đó, phát hiện nhân tố tích cực để phát triển đoàn viên, hội viên, giới thiệu đoàn viên, hội viên ưu tú để bồi dưỡng, kết nạp vào Đảng. Tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng gắn với đẩy mạnh việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, cần nắm vững tinh thần hướng về cơ sở, lấy hiệu quả công việc tại cơ sở và kết quả chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, sự đồng thuận của nhân dân với các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và việc xây dựng lực lượng, phát triển tổ chức ở cơ sở làm thước đo kết quả hoạt động của tổ chức. Việc quán triệt và tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết 16-NQ/TW của Bộ Chính trị, trước hết là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM nhưng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghị quyết là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó hệ thống dân vận giữ vai trò nòng cốt.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, đội ngũ cán bộ dân vận, mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cần phải nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất chính trị, phải có tâm trong sáng và gương mẫu trong hành động. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Với ý nghĩa đó, công tác vận động nhân dân đòi hỏi phải làm thường xuyên, bền bỉ và kiên trì; phải sát dân, gần dân, hiểu dân, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy mọi nguồn lực và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chung sức, chung lòng thực hiện nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố mang tên Bác Hồ - Thành phố Anh hùng, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, xứng tầm là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ của cả nước và khu vực.

Nguyễn Văn Rảnh
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Ban Dân vận Thành ủy TPHCM

Tin cùng chuyên mục