Cùng với quận 12, lãnh đạo UBND quận 8 TPHCM và các phòng ban chức năng của quận cũng vừa kết thúc đợt gặp gỡ, đối thoại với hơn 1.000 trưởng khu phố (KP), tổ trưởng, tổ phó các tổ dân phố - đại diện người dân 16 phường trên địa bàn. Nhiều bức xúc, gút mắc của người dân đã được chia sẻ, tháo gỡ và qua đó chấn chỉnh kịp thời lề lối làm việc, nâng cao trách nhiệm công vụ của các “đầy tớ nhân dân”.
Chính quyền mở lòng, dân mở dạ
Tại buổi tiếp xúc với người dân phường 15 vào sáng 2-11, bà Lê Thị Thúy Hằng ở KP4 phản ánh, bản vẽ tách thửa nhà đất làm 4 - 5 tháng vẫn chưa xong, yêu cầu phải có ý kiến của hàng xóm. Nếu hai nhà có mâu thuẫn, hàng xóm không ký vào bản vẽ thì… bó tay! Đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, 4 - 5 tháng chưa xong, gần đến ngày hẹn lên lấy thì nhận được yêu cầu bổ sung giấy tờ và thời gian lại… tính từ đầu.
Nghe vậy, ông Võ Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận 8, ôn tồn: “Thủ tục cấp sổ hồng chỉ có 33 ngày, cán bộ nào tiếp nhận, giải quyết chậm trễ thì phải viết thư xin lỗi và sau đó mang sổ hồng đến tận nhà trao cho người dân. Đề nghị chị nêu rõ địa chỉ, quận sẽ kiểm tra và xử lý cụ thể”. Sau khi được cán bộ trấn an trước nỗi lo “phản ánh thẳng thắn quá, sẽ bị trù”, người dân đã mạnh dạn “chỉ rõ” một số địa chỉ gây phiền hà, nhũng nhiễu dân để lãnh đạo quận “sẵn sàng tiếp thu, sai thì nhận trách nhiệm, chưa đúng thì phải sửa”.
Vấn đề “nóng” nhất là quy hoạch treo và hệ lụy. Đặc biệt là tình trạng người dân không được xây dựng, sửa chữa tăng diện tích sử dụng trong khi số người không ngừng “nở” ra khiến sinh hoạt bức bối. Ông Nguyễn Văn Phương ở KP4 bức xúc, tổ 38 có khu nghĩa địa, người sống ở lẫn người chết đã quá lâu dẫn đến nhiều hệ lụy, bao giờ di dời giải tỏa? Ông Nguyễn Tấn Lộc ở KP7 căng thẳng: “Dân nằm trong khu quy hoạch treo, không có nước sạch dùng, chẳng lẽ để dân chết khát hay sao?”.
Hàng loạt vấn đề khác tiếp tục được người dân đặt ra đến tận buổi chiều 2-11: nhiều dự án nhà ở chưa được giao nhà, được giao nhà nhiều năm vẫn chưa có chủ quyền, dân muốn kiện ra tòa nhưng vướng mắc án phí, quận có giải quyết được không, tại sao không giải quyết được? Đường An Dương Vương tại sao không làm bằng phẳng mà cứ chỗ cao chỗ thấp, dân nghe hoài điệp khúc “sắp làm, sắp làm”. Dự án bờ kè ngăn triều cường có triển khai? Ai cấp phép cho phơi bùn hai bên đường Võ Văn Kiệt dẫn đến mưa thì sình lầy, nắng bụi mù mịt?
“Chữa cháy” kịp thời
16 buổi đối thoại trong vòng 2 tháng với hơn 1.000 đại diện người dân, ghi nhận 600 ý kiến phản ánh tập trung về các vấn đề quản lý đô thị và thái độ, trách nhiệm phục vụ nhân dân của cán bộ công chức… Nhiều vướng mắc được giải quyết ngay trong ngày như trường hợp ông Nguyễn Khắc Tiến (SN 1950, ngụ phường 5) được nhập khẩu vào ngày 16-10 sau 21 năm sống diện tạm trú; người dân phường 3 được xe bồn chở nước sạch đến tận nhà… Phó Chủ tịch UBND quận 8 Võ Văn Hùng yêu cầu, những gì thuộc trách nhiệm của quận, trong vòng 10 ngày các phòng ban chức năng và UBND phường phải làm rõ, trả lời cụ thể cho dân; MTTQ sẽ giám sát chất lượng và thời gian giải quyết các phản ánh của người dân.
Trước tình trạng vừa thiếu nước sạch vì vướng quy hoạch treo nhưng lại thừa nước bẩn do triều cường mà người dân 2 phường 15, 16 bức xúc, ông Võ Văn Hùng yêu cầu trước ngày 15-11, các phòng ban và phường phải khảo sát toàn bộ nhu cầu nước sạch của người dân và báo cáo về quận với giải pháp cụ thể, vướng thế nào cũng phải có nước sạch. UBND phường 16 phải “xắn tay vào cuộc giúp người dân kiện ra tòa án, truy đến cùng trách nhiệm của một số chủ đầu tư dự án nhà ở”.
Riêng các vấn đề thuộc TP, quận sẽ kiến nghị ngay để tháo gỡ kịp thời. Ông Võ Văn Hùng cũng yêu cầu bà con và các UBND phường vướng chỗ nào phải báo động ngay, nếu có giải pháp thì cứ mạnh dạn hiến kế.
| |
Đường Loan
Xin lỗi dân
Để góp phần nâng cao nhận thức, hành động của cán bộ công chức trong việc tiếp thu, giải quyết các kiến nghị của nhân dân, từ tháng 8-2009 phường Linh Xuân quận Thủ Đức TPHCM đã triển khai mô hình “Xin lỗi dân” và khắc phục nhanh sai sót.
Nhắc lại chuyện cũ, bà Nguyễn Thị Lan, một trong 50 hộ dân ở khu phố 3 của phường, kể lại: “Khi chính quyền địa phương thông báo kết quả kiểm tra của quận về một cơ sở thu mua phế liệu không gây ô nhiễm môi trường nhưng thực tế lại đang gây ô nhiễm, khiến các hộ dân không hài lòng. Sau khi nghe chúng tôi phản ánh, phường đã tái kiểm tra và xác định cơ sở này gây bụi, tiếng ồn ảnh hưởng đến nhiều hộ dân, đồng thời kiến nghị quận giải quyết. Vài bữa sau, đồng chí bí thư Đảng ủy phường đã trực tiếp xuống gặp, xin lỗi chúng tôi. Sau đó, cơ sở thu mua phế liệu đã được di dời”.
Không chỉ ở khu phố 3, lãnh đạo phường Linh Xuân cũng gửi 2 thư xin lỗi 2 người dân tại khu phố 4 vì để trễ hẹn hồ sơ, đồng thời giải quyết ngay cho dân. Nói về kế hoạch thực hiện việc “Xin lỗi dân”, đồng chí Cao Sơn Yên, Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND phường Linh Xuân, cho biết, khi phát hiện sai sót và nhận được phản ảnh của người dân (sai sót trong giải quyết hồ sơ, trễ hẹn trả kết quả, thái độ tiếp dân của cán bộ...), trong vòng 3 ngày, lãnh đạo phường phải giải quyết ngay, cán bộ làm sai phải tham mưu văn bản xin lỗi dân.
Ngoài ra, để khắc phục tình trạng tiếp nhận, giải quyết ý kiến, kiến nghị của dân vẫn còn thờ ơ, chìm vào quên lãng, phường Linh Xuân thường xuyên tổ chức đối thoại nhân dân về các nội dung gây bức xúc để tìm giải pháp tháo gỡ. Trong 3 năm, phường đã 6 lần đối thoại trực tiếp với dân và cũng tháo gỡ có hiệu quả 301/329 ý kiến, kiến nghị của dân với phường, quận.
Thực hiện nghiêm chế độ tiếp dân, sẵn sàng đối thoại, giải quyết các bức xúc, kiến nghị trong thẩm quyền địa phương, là cách triển khai thiết thực nhất Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng của các cấp ủy trên địa bàn phường Linh Xuân, quận Thủ Đức.
| |
Hồng Hiệp