Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Diễn đàn Hợp tác Á - Âu lần thứ 13

Tăng hợp tác để phát triển bền vững

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Diễn đàn Hợp tác Á -  Âu lần thứ 13 (ASEM 13) đã khai mạc ngày 20-11 tại thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững”. Đây là hoạt động quan trọng nhằm chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEM 12 tại Brussels, Bỉ. 
Thúc đẩy gắn kết
Trong 2 ngày hội nghị, các ngoại trưởng có 3 phiên thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực cùng quan tâm, tăng cường quan hệ đối tác trong triển khai các mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiên tai, an ninh lương thực - năng lượng - nguồn nước, thu hẹp khoảng cách phát triển... Đặc biệt, các Ngoại trưởng cũng sẽ trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ đối tác ASEM năng động và gắn kết hơn, trong đó có các biện pháp tăng cường kết nối trên các lĩnh vực như giao lưu nhân dân, giao thông vận tải, du lịch, văn hóa, giáo dục, thương mại và đầu tư cũng như trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực. 
Tăng hợp tác để phát triển bền vững ảnh 1 Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và các trưởng đoàn chụp ảnh chung
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị. Tại Hội nghị lần này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh là một trong 4 trưởng đoàn được mời phát biểu dẫn đề tại phiên 1 hội nghị về “Gắn kết hài hòa giữa hòa bình và phát triển bền vững”. Theo kế hoạch, kết thúc hội nghị, các bộ trưởng sẽ thông qua “Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM 13”, chương trình hoạt động giai đoạn 2017 - 2019, đồng thời thông qua các sáng kiến mới, trong đó có sáng kiến của Việt Nam về “Hội nghị ASEM về cùng hành động ứng phó biến đổi khí hậu nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững”.
Năng động toàn diện
Phát biểu dẫn đề tại phiên toàn thể thứ nhất, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, cục diện khu vực và quốc tế tiếp tục chuyển biến nhanh chóng và phức tạp hơn. Kinh tế thế giới phục hồi vững chắc hơn, song vẫn tiềm ẩn rủi ro; chủ nghĩa bảo hộ có chiều hướng gia tăng, liên kết kinh tế ở nhiều khu vực bị chậm lại; quan ngại về hệ lụy của tiến trình chuyển đổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; các mối đe dọa do xung đột và căng thẳng khu vực; chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh hàng hải, an ninh mạng, bất bình đẳng, di cư, thiên tai đặt ra cấp bách hơn.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, bước vào thập kỷ thứ ba, ASEM đứng trước thời khắc chuyển đổi quan trọng, cần tiếp tục đổi mới và khẳng định vị thế của mình trong cấu trúc toàn cầu đang định hình và đây là lúc ASEM cần xây dựng tầm nhìn cho một ASEM có trách nhiệm và có khả năng thích ứng, đi đầu thúc đẩy hợp tác đa phương. 
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề xuất châu Á và châu Âu cần tiếp tục đi đầu duy trì hòa bình và ổn định thế giới, thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế. Hai châu lục cũng cần tiên phong trong triển khai các Mục tiêu phát triển bền vững 2030, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm; giảm nghèo, kết nối toàn diện và chất lượng, phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số; ứng phó biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai, quản lý bền vững các nguồn tài nguyên; an ninh lương thực - nguồn nước - năng lượng.
ASEM cũng cần tiếp tục ủng hộ quản trị kinh tế toàn cầu công bằng và cân bằng, hệ thống thương mại đa phương mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ, trao đổi các vấn đề thương mại và đầu tư thế hệ mới, phát triển các chuỗi giá trị và cung ứng toàn cầu, tăng cường sự sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa…
Việt Nam cam kết tiếp tục chủ động đóng góp vào nỗ lực của ASEM. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao sự ủng hộ của các thành viên đối với sáng kiến của Việt Nam về tổ chức “Hội nghị ASEM về cùng hành động ứng phó biến đổi khí hậu nhằm đạt các Mục tiêu phát triển bền vững” năm 2018. 
Trong khuôn khổ Hội nghị ASEM 13, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã có các cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Ngoại giao các nước Pháp, Luxembourg, Hungary, Phần Lan, Romania, Đức, Slovenia. Tại các cuộc gặp, các nước đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam; bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục