15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ, cùng với những cải tiến trong quan hệ kinh tế, xuất khẩu của Việt Nam (VN) vào thị trường Mỹ ngày một tăng trưởng cao. Cơ hội càng rộng mở hơn khi 2 nước hướng mục tiêu trở thành đối tác chiến lược trong thời gian tới.
- Mỹ - thị trường xuất khẩu số 1 của VN
Sau khi bỏ thuế phân biệt đối xử cao gấp nhiều lần so với thuế nhập khẩu bình thường MFN vào năm 2002 và đến năm 2007 chính thức được hưởng quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn PNTR, xuất khẩu của VN vào Mỹ đã tăng trưởng khá cao. Năm 2001, hàng hóa VN xuất khẩu vào Mỹ chỉ đạt 1,4 tỷ USD nhưng đến năm 2010 đạt gần 15 tỷ USD. VN đạt giá trị thặng dư thương mại trên 11 tỷ USD. Hiện tại, Mỹ là thị trường xuất khẩu số 1 của VN, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước. VN trở thành nhà cung ứng thứ 27 trong số các nước xuất khẩu vào Mỹ.
Theo Cục Thống kê Kinh tế Mỹ, trong năm 2010, nhập khẩu hàng hóa của Mỹ đứng đầu thế giới, với khoảng 1.935 tỷ USD. Mỹ là thị trường tiêu thụ khổng lồ, có nhu cầu lớn đối với nhiều mặt hàng. Do vậy, với khoảng 15 tỷ USD xuất khẩu vào Mỹ hiện nay, rõ ràng sự hiện diện của hàng hóa VN ở Mỹ vẫn còn ở mức khiêm tốn, chưa được 1%.
Phát biểu tại hội thảo “Bí quyết thành công với thị trường Mỹ”, do Trường Đào tạo quản lý doanh nghiệp (CBAM) vừa tổ chức tại TPHCM, ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP gồm 9 nước tham gia trong đó có VN, Mỹ đang trong giai đoạn đàm phán, sẽ là cơ hội lớn cho hàng hóa VN vào Mỹ, nhất là đối với những hàng hóa có thế mạnh của VN như dệt may. Không riêng thị trường Mỹ, hàng hóa VN còn có lợi thế vào những thị trường khác.
Hiện nay, các nhà nhập khẩu Mỹ đang có xu hướng đa dạng hóa nguồn cung. Với phương châm “không bỏ trứng vào một giỏ”, các nhà nhập khẩu đang dần chuyển đơn hàng từ Trung Quốc - nơi được mệnh danh là đại công xưởng của thế giới sang các nước khác. Và VN là một trong những điểm đến được doanh nghiệp Mỹ chú ý, tìm cơ hội đầu tư.
Theo nhận xét của các chuyên gia, cộng đồng người VN tại Mỹ rất đông nhưng thực tế hiện nay, hàng hóa VN hiện vẫn chưa tiếp cận đến đời sống của 1,3 triệu người Việt ở Mỹ. Thực phẩm từ VN còn chiếm thị phần rất khiêm tốn tại các siêu thị dành cho người châu Á tại Mỹ. Phần lớn thực phẩm người Việt ở Mỹ mua sắm cho bữa ăn hàng ngày đều là hàng của Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan. Nếu khai thác được thị trường người Việt và người châu Á ở Mỹ thì đây sẽ là thị trường rất lớn cho hàng thực phẩm của VN.
- Tăng khả năng cung ứng
Ông Nguyễn Duy Khiên, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Mỹ, Bộ Công thương, cho biết, nhu cầu nhập khẩu của Mỹ rất lớn, thị trường không phải là vấn đề quan trọng, điều cốt lõi để có thể xâm nhập vào thị trường Mỹ là doanh nghiệp VN có đáp ứng được nguồn cung hay không? Có nhiều mặt hàng thị trường Mỹ có nhu cầu nhập nhưng VN không có để xuất.
Mỹ nằm trong số những nước có chênh lệch thu nhập lớn. Vì vậy, thị trường cần có các loại hàng đắt tiền cho người giàu và những loại rẻ tiền cho người nghèo. Cả 2 phân khúc này, VN đi sau, khó có thể cạnh tranh với hàng hiệu và càng không thể cạnh tranh với hàng giá rẻ của Trung Quốc. Doanh nghiệp VN nên chọn phân khúc trung bình khá, những sản phẩm đòi hỏi sự khéo tay mới có khả năng cạnh tranh được.
Trái cây của VN rất ngon, rẻ nhưng để có mặt ở thị trường Mỹ còn quá nhiêu khê, đôi khi làm nản lòng doanh nghiệp. Ông Khiên cho biết, hiện chỉ có một vài loại trái cây như thanh long, chôm chôm xuất khẩu vào Mỹ nhưng phải trải qua công đoạn chiếu xạ, cộng với thời gian vận chuyển dài ngày, khi đến nơi thì chất lượng giảm. Doanh nghiệp Mỹ cũng công nhận hạt tiêu Chư Sê của VN rất ngon nhưng họ không thể mua trực tiếp được.
Tiếp cận trực tiếp với nhà nhập khẩu sẽ mở ra cơ hội nhiều hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu VN. Tuy nhiên, điều này không dễ với doanh nghiệp Việt. Với kinh nghiệm lâu năm tại thị trường Mỹ, ông Khiên khuyên, doanh nghiệp VN nên tham gia thường xuyên những hội chợ, sự kiện chuyên ngành lớn ở khu vực sẽ có nhiều cơ hội tiếp xúc với nhà nhập khẩu hơn là sang tận Mỹ. Theo thống kê, có đến 70%-80% đơn hàng xuất khẩu của VN do khách hàng tìm đến, chỉ có 10% đơn hàng nhà sản xuất chủ động tìm đến nhà nhập khẩu. Xây dựng website là điều tối thiểu phải có để doanh nghiệp có thể tiếp cận khách hàng.
MỸ HẠNH