Tặng quà 20-11 sao cho đúng?

Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 là dịp để học trò bày tỏ tình cảm yêu thương, kính trọng đối với các thầy, cô giáo - những người đã không ngại gian khó ngày đêm vun đắp cả về mặt tri thức lẫn tâm hồn cho nhiều thế hệ học trò. Như đã trở thành thông lệ, hàng năm cứ đến ngày này, hàng vạn học sinh trên khắp cả nước lại nô nức đến thăm thầy, cô giáo với những món quà thể hiện lòng biết ơn.

Nhưng nếu như cách đây 20-30 năm trước, quà được lựa chọn trong Ngày nhà giáo thường là những vật dụng gia đình gần gũi như quyển sổ tay, bộ ấm chén, cái phích nước, lọ hoa… thì nay chiếc phong bì đã thay thế cho toàn bộ những món quà ý nghĩa đó. Phổ biến đến nỗi giới phụ huynh thường truyền tai nhau rằng, phong bì với những tờ tiền xanh, đỏ mới là phần chính, tặng hoa có thể có, có thể không nhưng nhất thiết khi tặng một bó hoa tươi thắm vẫn phải cài vào đó một phong bì.
 
Người viết đã từng chứng kiến không ít trường hợp phụ huynh vội vàng đến mức đứng trước cửa lớp, loay hoay lục ví lấy tiền nhét vào phong bì, rồi dúi vào tay cô giáo trước mặt cả học sinh. Điều này vô hình trung sẽ tạo ra ảnh hưởng không tốt đến nhận thức và suy nghĩ còn non nớt của các em. Rằng quà tặng mang ý nghĩa trân trọng gởi đến các thầy, cô giáo thật ra chỉ là một sự gửi gắm, đút lót, nịnh nọt. Rằng xã hội thời nay cũng thực dụng lắm, ngay cả nghề giáo, một nghề vốn được cả xã hội tôn vinh với những ý nghĩa tốt đẹp của nó hóa ra cũng có cảnh tiền trao cháo múc, chút gì đó mang tính chất thương mại, trao đổi. Như vậy, ý nghĩa thật sự của Ngày Nhà giáo đã bị làm sai lệch do những món quà thiên về vật chất nhiều hơn là tinh thần.
 
Trong khi đó, tại một số quốc gia khác như Nhật Bản, người thầy được tôn vinh bằng những hành động rất thiết thực, chẳng hạn trên tàu điện ngầm có chỗ ngồi dành riêng cho giáo viên, giúp họ không phải xếp hàng khi mua vé. Còn tại Mỹ và Hàn Quốc, ngày của giáo viên sẽ được học trò kỷ niệm bằng những món quà nhỏ như thiệp, những bức thư cảm ơn, hoa cẩm chướng và những bữa tiệc nho nhỏ tổ chức ngay tại lớp học.

Riêng tại Ấn Độ, vào ngày này, vai trò của thầy và trò được hoán đổi. Học sinh sẽ đảm nhận các nhiệm vụ của giáo viên. Bằng cách này, các giáo viên được sống lại cảm xúc của một thời học sinh, trong khi đó, học sinh có cơ hội trải nghiệm những công việc vất vả của người thầy. Song, cho dù được tổ chức dưới hình thức nào, các hoạt động kỷ niệm không bao giờ mang màu sắc vật chất. Ở đó, thầy cô thật sự cảm thấy được học trò tôn trọng, biết ơn công lao đã cống hiến chứ không phải như một sự trả nghĩa như ở Việt Nam.
 
Mới đây, Hiệp hội Giáo dục Mỹ (NEA) đã tiến hành một cuộc thăm dò trực tuyến với sự tham gia của gần 1.000 nhà giáo, trong đó yêu cầu giáo viên nêu lên mong muốn trong ngày nhà giáo. Kết quả phản hồi thực sự khiến nhiều người bất ngờ. Phần đông giáo viên cho biết, điều họ muốn nhận được trong ngày nhà giáo chính là sự tin tưởng, biết ơn của phụ huynh và học sinh. Bên cạnh đó, những món quà mang ý nghĩa tinh thần như thiệp, hoa, tranh... cũng được đa số đồng tình, ủng hộ. Tuyệt nhiên không có sự xuất hiện của tiền bạc, bởi những thứ đó sẽ khiến mối quan hệ thầy trò bị vật chất hóa, trở nên thực dụng và không còn ý nghĩa trân trọng.
 
Qua đó cho thầy, việc tặng quà thầy cô nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 là một truyền thống tốt đẹp, song cách làm và hình thức quà tặng sao cho hợp lý không phải ai cũng làm được. Để Ngày Nhà giáo không mất đi ý nghĩa tôn vinh cao đẹp của nó, giúp những nhà giáo thật sự cảm thấy ấm lòng, cần loại bỏ ngay những món quà vật chất không hay đó. Không phải chỉ trong Ngày Nhà giáo mà 364 ngày còn lại trong năm, họ đều cảm thấy được tôn trọng với tấm lòng biết ơn sâu sắc nhất.

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục