Tăng tốc khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo

Bên lề Đại hội XIII, đồng chí Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, đã trao đổi xung quanh những điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong nhiệm kỳ qua và đánh giá những giải pháp được đưa ra cho nhiệm kỳ tiếp theo.
Ông Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM
Ông Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM

Phóng viên: Trong quá trình thảo luận nội dung văn kiện tại Đại hội lần này, đồng chí tâm đắc nhất với vấn đề gì?

Đồng chí TRẦN HOÀNG NGÂN: Tôi và các đại biểu dự Đại hội đều rất phấn khởi với những thành tựu của nhiệm kỳ qua mà văn kiện đã đề cập. Kết quả đạt được trong thời gian qua rất toàn diện cả về kinh tế, quốc phòng, đối ngoại… Về kinh tế, chúng ta đã duy trì được nền kinh tế ổn định khá vững chắc, lạm phát 5 năm liên tiếp dưới 4%; các cân đối lớn như cán cân thanh toán quốc tế, cán cân vãng lai, thương mại... đều thặng dư; kiểm soát tốt bội chi ngân sách nên kéo giảm được nợ công. Quan trọng hơn, niềm tin vào sức mạnh của đồng tiền, vào chính sách tiền tệ ngày càng tăng. Chúng ta không còn lo ngại vấn đề đô la hóa, không còn lo ngại những cú sốc về biến động của đồng đô la nữa. Chúng ta đã giữ tốc độ tăng trưởng khá cao. Trong khi kinh tế thế giới bị khủng hoảng kép cả về kinh tế và y tế, thì chúng ta lại đạt mục tiêu kép, khiến Việt Nam trở thành điểm sáng của thế giới. Những nền tảng vĩ mô đó giúp chúng ta tạo dựng niềm tin cho nhà đầu tư. Nhờ đó, Việt Nam chúng ta có được tiềm lực, cơ đồ, vị thế, uy tín quốc tế như ngày hôm nay. 

Văn kiện Đại hội XIII khẳng định một điều mà tôi rất tâm đắc: Thành tựu hôm nay của đất nước là nhờ một quá trình tích lũy, kết tinh, phấn đấu liên tục, bền bỉ qua nhiều nhiệm kỳ; là sự đúc kết bài học qua nhiều nhiệm kỳ để chúng ta có được thành quả hôm nay. Quá trình phấn đấu đó có sự chung sức của cả hệ thống chính trị, toàn quân, toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng ngày càng cao lên. Trong lòng mỗi chúng ta đều có một khát vọng chung sức làm sao để Việt Nam đạt được mục tiêu như trong báo cáo chính trị đã đề ra. Đó là bởi có niềm tin vào sự ổn định kinh tế vĩ mô, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, niềm tin vào sự quyết tâm, quyết liệt của Chính phủ trong điều hành thời gian vừa qua. Văn kiện Đại hội XIII cũng đã đề ra phương hướng và các mục tiêu cụ thể cho giai đoạn tới. Các đại biểu đều rất phấn chấn, đồng thuận với nội dung văn kiện. Vì thế những thảo luận tại đoàn đều mang tính chia sẻ, thống nhất cao. 

Theo đồng chí, đâu là những tồn tại về mặt vĩ mô mà chúng ta phải tiếp tục khắc phục trong nhiệm kỳ tới?

Vẫn còn những tồn tại, chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện thể chế cho đồng bộ, nhằm thích ứng với sự phát triển của khoa học công nghệ, thúc đẩy được sáng tạo, thúc đẩy được những mô hình mới, hoạt động như giáo dục số, y tế số, nhà máy thông minh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn… Thể chế cần tiếp tục hoàn thiện để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đó. Đặc biệt, chúng ta phải giải quyết được bài toán hạ tầng, cả về giao thông và công nghệ viễn thông, hạ tầng số. Nhất là phải làm tốt vấn đề về giáo dục, con người, công nghệ. Chỉ có tăng tốc khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, Việt Nam mới có thể bắt kịp các nước khu vực. Khoa học - công nghệ phải dẫn dắt, là đầu tàu, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số để phát triển kinh tế số, Chính phủ số, xã hội số. Nền tảng đó sẽ giúp chúng ta tăng cường năng suất lao động. Trên cơ sở đó, chúng ta sẽ phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025, khi Việt Nam kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, chúng ta vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, GDP bình quân đầu người đạt mức 4.500 - 5.000 USD.

Trong quá trình thảo luận, các đại biểu có đồng thuận với những phương hướng, mục tiêu mà văn kiện đưa ra đến năm 2030 và chiến lược đến năm 2045 không, thưa đồng chí?

Chúng tôi đồng thuận rất cao. Phương hướng của giai đoạn 2021 - 2025 đã đề ra hàng loạt giải pháp rất cụ thể. Vấn đề quan trọng hiện nay là sau Đại hội phải chuyển các Nghị quyết của Đảng, chuyển thành các nghị quyết trong điều hành của Chính phủ, cũng như các nghị quyết của Quốc hội để chúng ta chuyển sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng thành những chương trình cụ thể. Trong đó, chúng ta kiên định mục tiêu, định hướng XHCN và kiên định mục tiêu kép của giai đoạn tới đây, vừa phải chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân, trên cơ sở đó phát triển kinh tế một cách bền vững.

Như tôi đã nói, giai đoạn tới phải đặc biệt chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ… Có như vậy, chúng ta mới bắt kịp được các nước trên thế giới để đến 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, chúng ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Đó cũng là khát vọng trong lòng mỗi đại biểu được vinh dự có mặt tại Đại hội XIII, sẵn sàng chung sức để Việt Nam chúng ta trở thành đất nước phồn thịnh.

Tin cùng chuyên mục