Tạo chuyển biến mới trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Trải qua hơn 92 năm xây dựng và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lần lượt tiến hành 13 kỳ đại hội. Mỗi kỳ là một mốc lịch sử quan trọng ghi nhận, đánh dấu những thắng lợi, thành tựu của cách mạng Việt Nam, trong đó bao gồm những bước tiến về công tác xây dựng Đảng.

Nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt

Từ khi thành lập Đảng đến Đại hội V (năm 1982), công tác xây dựng Đảng chủ yếu tập trung vào củng cố tổ chức bộ máy sau những thời kỳ “khủng bố trắng” và phần nhiều hướng vào hoàn thiện đường lối cách mạng nước nhà. Mở đầu thời kỳ đổi mới, Đại hội VI của Đảng (năm 1986) nêu 4 nội dung cần phải đổi mới trong công tác xây dựng Đảng. Đó là đổi mới tư duy, đổi mới tổ chức, đổi mới đội ngũ cán bộ, đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác. Đến Đại hội VII của Đảng (năm 1991) chính thức đặt ra vấn đề đổi mới Đảng gắn liền với chỉnh đốn Đảng. 

Đến Đại hội VIII, tự đổi mới, tự chỉnh đốn đã được xem là một quy luật phát triển của Đảng. Khóa VIII, Trung ương tiếp tục ban hành nhiều nghị quyết, đề ra những chủ trương, giải pháp củng cố Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng. Giáo dục tư tưởng chính trị, rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân là nội dung trọng tâm bao trùm nội dung xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức tại Đại hội IX (năm 2001).

Đại hội X (năm 2006) đến Đại hội XII (năm 2016) của Đảng đã đánh dấu những thay đổi quan trọng trong nhận thức của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tiếp đó, tại Đại hội XII, lần đầu tiên trong văn kiện Đảng đã đánh giá nội dung công tác xây dựng Đảng về đạo đức. Đề cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp, người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Đến Đại hội XIII (năm 2021), đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng. Chủ đề Đại hội XIII thể hiện rất rõ việc nhận thức toàn diện và sâu sắc hơn mối quan hệ giữa xây dựng Đảng và chỉnh đốn Đảng. Nhận thức này trước hết xuất phát từ tổng kết thực tiễn việc thực hiện công tác xây dựng Đảng trong khóa XII.

Xây dựng Đảng và chỉnh đốn Đảng được tiến hành đồng thời và đan xen nhau, xây dựng Đảng là nhiệm vụ thường xuyên, còn trọng tâm của chỉnh đốn Đảng là tập trung vào các vấn đề quan trọng và cấp bách. Việc xử lý hài hòa giữa xây dựng và chỉnh đốn Đảng sẽ đem lại kết quả toàn diện trong công tác xây dựng Đảng, nhất là đột phá vào những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm. 

Đặt công tác cán bộ lên hàng đầu

Nhìn lại hệ thống văn bản của Đảng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay cho thấy, công tác xây dựng Đảng về cán bộ ngày càng được Đảng quan tâm, chú trọng và nhận thức rõ, cụ thể, sát thực vấn đề hơn. Từ Hướng dẫn 02 của Ban Tổ chức Trung ương về tiêu chí, quy trình rà soát, phát hiện, giáo dục, giúp đỡ, sàng lọc, đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng đến Kết luận 01 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đó còn là Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; Quy định 37 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; Quy định 41 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; Quy định 69 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm…

Trong công tác xây dựng Đảng về cán bộ, phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên được Đảng đặt lên hàng đầu, với nghị quyết về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên tại Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII). Và mới đây là Kết luận 12 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; cùng Hướng dẫn 25 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cùng chủ trương thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã cho thấy Đảng thật sự quyết tâm đấu tranh khắc phục tình trạng suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng mang tính hệ thống và không có vùng cấm, tạo sự bình đẳng trong công tác này, góp phần giúp Đảng củng cố niềm tin, mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với dân, củng cố cơ sở chính trị, xã hội của Đảng.

TS NGUYỄN THỊ VIỆT HÀ
Giảng viên Học viện Chính trị Khu vực II

Tin cùng chuyên mục