Ngày 12-8, Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách tiếp tục làm việc, thảo luận và cho ý kiến dự án Luật Dạy nghề. Nhiều đại biểu cho rằng, những yếu kém trong lĩnh vực dạy nghề lâu nay như mất cân đối trong cơ cấu đào tạo, tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, thiếu lao động có tay nghề… là do nhiều nguyên nhân. Trong đó, có nguyên nhân là chính sách đối với dạy nghề và người học nghề chưa đủ sức thu hút.
Dự thảo lần này đã bổ sung nhiều chính sách cụ thể: các cơ sở dạy nghề được bình đẳng trong hoạt động dạy nghề, được hưởng ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng. “Đối với người học nghề, nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ, cấp học bổng, miễn giảm học phí…” - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của QH Trần Thị Tâm Đan cho biết. Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Thanh Phú (Thái Nguyên) cho rằng: “Cần quy định, cơ sở dạy nghề phải có nơi thực hành, và có giáo viên dạy thực hành. Như thế, người học nghề mới bảo đảm được tay nghề khi ra trường”.
Một trong những biện pháp khuyến khích dạy và học nghề được đưa ra trong dự thảo lần này là chính sách liên thông đào tạo, tạo điều kiện cho người học nghề có cơ hội học lên trình độ cao hơn. Mặc dù vậy, đại biểu Trần Đình Long (Đắc Nông) vẫn băn khoăn và đề nghị làm rõ: “Trong cùng một trường nhưng khác ngành, hay học khác trường thì chính sách liên thông thế nào?”. Đại biểu Lê Huy Luyện (Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng cho rằng, tấm bằng cao đẳng trong lĩnh vực dạy nghề chưa đủ sức thu hút, và ông đề nghị cần nghiên cứu cấp một văn bằng khác, chẳng hạn tương đương với bằng cử nhân.
BẢO MINH