
Trong cuộc họp gần đây, trả lời phỏng vấn báo chí, Thứ trưởng Thang Văn Phúc đã thẳng thắn thừa nhận: Hiện nay cả nước có khoảng 30% (hơn nửa triệu người) cán bộ, công chức “ngồi mát hưởng lương”.
Những cán bộ công chức này không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, có nghĩa là không làm được việc mà vẫn cứ hưởng lương. Nếu làm phép tính, với mức lương hơn triệu đồng/tháng, thì mỗi năm nhà nước ta thiệt hại hơn 6 ngàn tỷ đồng, cao hơn gấp 8 lần tổng số thiệt hại của 8.500 vụ tham nhũng của năm 2007 (tổng thiệt hại năm 2007 là 865 tỷ đồng), tương đương 0,5% GDP của đất nước. Đó là những thiệt hại nhìn thấy, còn những “thiệt hại ẩn”, tức là những thiệt hại không nhìn thấy, hoặc chưa nhìn thấy thì biết nhường nào kể xiết.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính sẽ góp phần tinh giản biên chế trong các cơ quan nhà nước. Ảnh: C.T.V.
Câu hỏi đặt ra là sao không tinh giản biên chế để đỡ lãng phí ngân sách nhà nước. Sao không giải quyết chế độ sớm cho những công chức “hữu danh nhưng vô thực” này. Đây là một bài toán vô cùng khó. Bởi những cán bộ công chức ấy thực tế đang nằm trong biên chế. Có bậc lương hạn ngạch, có chức vụ hẳn hoi, nhưng do lười biếng suy nghĩ, ít động não lâu ngày thành chai lì.
Với hơn 30% cán bộ công chức “giữ ghế để hưởng lương” đang tồn tại, thì không thể có một đội ngũ cán bộ công chức trẻ phát triển kế tiếp. Tuy việc loại bỏ cán bộ công chức không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ra khỏi bộ máy nhà nước rất khó khăn, nhưng không phải làm không được. Điều quan trọng là tinh giản đúng người đúng việc, kiên quyết và đồng bộ từ trung ương đến cơ sở.
Dĩ nhiên sẽ có nhiều đụng chạm, phát sinh khiếu nại tố cáo nếu làm không công minh. Trong cuộc đại phẫu này, vai trò người đứng đầu rất quan trọng. Nó sẽ liên quan đến từng thành viên, cá nhân trong một cơ quan, hay đụng chạm đến một ê kíp làm việc nào đó. Nếu người đứng đầu đơn vị không có thái độ đúng đắn, công tâm, sẽ dẫn tới loại bỏ nhầm người. Tinh giản biên chế phải xuất phát từ việc công, lấy lợi ích tập thể làm mấu chốt.
Việc tinh giản biên chế là điều cần thiết, vừa tránh lãng phí ngân sách nhà nước, vừa ngăn chặn được nạn chảy máu chất xám, mở đường cho những cán bộ công chức có năng lực cống hiến sức lực của mình cho xã hội.
Mai Thắng (TP Vũng Tàu)