Tạo sức hút về đầu tư để phát triển công nghiệp chế biến

Mặc dù nông sản Việt Nam rất đa dạng và phong phú nhưng việc thiếu quy hoạch các vùng nguyên liệu quy mô đủ lớn là một trong những nguyên nhân khiến việc đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến thực phẩm tại Việt Nam còn hạn chế. 
Ngành công nghiệp chế biến thu hút đầu tư
Ngành công nghiệp chế biến thu hút đầu tư
Hơn nữa, Việt Nam chưa có ưu đãi riêng cho lĩnh vực này mà nằm rải rác ở các quy định khác nhau, trong các chính sách nông nghiệp nông thôn, tín dụng, phụ thuộc vào địa bàn cụ thể...
Theo thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm chiếm chưa tới 5% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Phần lớn các hoạt động đầu tư nước ngoài ít gắn kết với vùng nguyên liệu, chưa quan tâm phát triển vùng nguyên liệu. Hơn nữa, nguyên liệu trong nước mặc dù rất phong phú, song chưa đáp ứng được sản xuất của các doanh nghiệp FDI.
Để thúc đẩy thu hút đầu tư trong chế biến thực phẩm, vừa qua tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2017, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp rà soát, đề xuất sửa đổi chính sách đất đai, tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn trong quý 3-2017. Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất, hướng dẫn chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp; trong đó bao gồm tài sản hình thành trên đất của các dự án nông nghiệp công nghệ cao, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm vay vốn ngân hàng. 
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương xây dựng tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, danh mục công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp và tiêu chí xác định nông nghiệp sạch. Yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại, chủ lực là các ngân hàng thương mại nhà nước, dành ít nhất 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng để thực hiện chương trình cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, với lãi suất phù hợp (thấp hơn lãi suất thị trường).
Cùng với sự nỗ lực của Chính phủ, các chuyên gia cho rằng, chính quyền địa phương cần chủ động quy hoạch vùng nguyên liệu nông sản cho nhà đầu tư, gắn với các hình thức chuyển giao quyền sử dụng đất từ nông dân sang nhà đầu tư trên cơ sở thỏa thuận giữa nhà đầu tư với doanh nghiệp theo quy định của Luật Đất đai về các hình thức cho thuê hoặc góp vốn bằng đất để cùng kinh doanh nông nghiệp. 

Tin cùng chuyên mục