Không nên quy định cứng việc bật đèn ban ngày
Một trong những vấn đề đang được người dân rất quan tâm đã được đưa ra tại hội thảo, đó là việc Bộ GTVT đưa vào dự thảo nội dung quy định bắt buộc bật đèn nhận diện vào ban ngày đối với xe máy. Theo bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GTVT), đây là nội dung được luật hóa theo quy định tại Điều 32 Công ước về Giao thông đường bộ, đã được nghiên cứu và áp dụng ở nhiều quốc gia, bao gồm cả các quốc gia có khí hậu tương đồng Việt Nam. Quy định này trên thực tế đã góp phần giảm thiểu đáng kể tai nạn giao thông, do xe máy là phương tiện yếu thế hơn đã được các phương tiện lớn hơn nhận diện từ xa, tránh được va chạm.
Tuy nhiên, ý kiến của các chuyên gia, người dân và doanh nghiệp đều cho rằng chưa nên đưa việc bật đèn xe vào ban ngày thành quy định cứng, do nhiều yếu tố chưa phù hợp. Hiện hầu hết xe máy đang lưu hành ở Việt Nam chưa có đèn nhận diện được thiết kế riêng, người điều khiển chưa có thói quen bật đèn ban ngày, nếu áp quy định trong thời điểm này rất dễ gây khó khăn cho người dân. Sau khi tiếp thu những ý kiến đóng góp, đại diện Bộ GTVT cho biết, trước mắt, sẽ không quy định “cứng” thành quy tắc giao thông đối với quy định bắt buộc bật đèn nhận diện vào ban ngày đối với xe máy. Thay vào đó, dự thảo chỉ quy định về đèn nhận diện thành một cấu thành bắt buộc của phương tiện. Như vậy, cùng với việc có đèn nhận diện trong thiết kế xe, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tuyên truyền, khuyến khích thay đổi thói quen của người dân để đảm bảo an toàn trước khi áp dụng quy định bắt buộc.
Sẽ tiếp thu ý kiến để chỉnh sửa
Tại hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, nhiều vấn đề về giao thông đang được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, trong đó có việc phân loại các loại hình vận tải, điều kiện kinh doanh vận tải, cấp phép điều hành giao thông thông minh, quản lý điều hành cao tốc… Trong khi đó, giao thông đường bộ đang là nút thắt cả về phần cứng và phần mềm, phí vận tải xếp vào nhóm cao trong khu vực, số người chết vì tai nạn giao thông cao. Nguyên nhân chính là do hệ thống giao thông và quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông còn thiếu đồng bộ, chưa bắt kịp thực tiễn, chưa phát huy được tối đa các tính năng công nghệ đã áp dụng.
Do đó, việc sửa đổi luật cần phải có tầm nhìn xa nhưng cũng phải phù hợp thực tiễn đất nước, dễ dàng đi vào thực tế, tránh tình trạng luật ra rồi vẫn gây tranh cãi hoặc vừa ra đã phải sửa. Một số ý kiến cũng cho rằng, những nội dung sửa đổi trong luật nhằm tạo thuận lợi cho công tác quản lý đảm bảo trật tự, an toàn giao thông nhưng cũng phải tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải, chứ không phải mỗi quy định mới lại giống như một rào cản, làm tăng chi phí cho các doanh nghiệp, người dân. Ví dụ, cần cân nhắc việc yêu cầu lái xe kinh doanh vận tải, bên cạnh việc có giấy phép lái xe phải có thêm chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải.
Trước các kiến nghị của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, Bộ GTVT xác định luật sửa đổi cần có giá trị thực hiện ổn định ít nhất trong 10 năm. Hiện Luật GTĐB sửa đổi đã trình Quốc hội và đến tháng 10 sẽ trình Quốc hội thảo luận, đến kỳ họp thứ 11 Quốc hội sẽ thông qua luật. Hiện dự thảo luật đang được đăng tải xin ý kiến của nhân dân và các thành phần kinh tế. Bộ GTVT sẽ tiếp thu các ý kiến để chỉnh sửa cho phù hợp, càng nhiều ý kiến đóng góp thì luật càng được hoàn thiện, dễ dàng đi vào cuộc sống hơn.