Tây Nguyên đang bước vào cao điểm thu hoạch cà phê niên vụ 2012 - 2013 với nhu cầu lao động thời vụ hàng chục ngàn người. Cùng với không khí sôi động của mùa vụ, việc một lượng lớn lao động đổ về cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề “nóng” ở khu vực này.
Sôi động mùa cà phê
Đầu vụ cà phê, chúng tôi về huyện Lâm Hà, Lâm Đồng. Từ đầu huyện đến cuối huyện, đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh của mùa vụ. Những chuyến xe công nông chở cà phê từ rẫy về; những phụ nữ, cụ già, trẻ con ở nhà thì xúm vào phân loại cà phê xanh và cà phê chín. Khi được hỏi vì sao không lựa quả chín hái trước, hầu hết đều cho rằng sẽ tốn công nhiều, nên cứ chín 60% - 70% là hái luôn, giá thấp nhưng đỡ nhân công, với lại, rẫy xa có khi còn mất trộm. Xanh nhà hơn già đồng. Ngày mùa, chuyện nhân công thu hái cà phê ngày càng “nóng”.
Dọc đường, chúng tôi trông thấy những tấm bảng giới thiệu lao động, việc làm. Mọi người gặp nhau là tíu tít chuyện thu hái cà phê, chuyện tìm người làm. Với hơn 40.000ha cà phê, Lâm Hà cần khoảng 10.000 lao động thời vụ để thu hái và phơi sấy. Do vậy, việc tìm thuê lao động đang rất nan giải đối với các nhà vườn, nhiều người phải thông qua các cơ sở giới thiệu việc làm để tuyển lao động.
Tại một quán cà phê ở trung tâm xã Tân Văn, vợ chồng ông Bạc Cầm Minh Đạt (thôn Tân Lập, xã Tân Văn) đang “đôi co” với hai lao động trẻ từ Trà Vinh mới đến. Hai lao động này được gia đình ông Đạt nhận từ một cơ sở giới thiệu việc làm ở huyện Đức Trọng, với mức lương thỏa thuận 2,5 triệu đồng/tháng (nam) và 2,3 triệu/tháng (nữ). Nhưng mới vào làm hôm trước thì hôm sau cả hai đã đòi về vì cho rằng mức lương và công việc không như hứa hẹn ban đầu. Sau một hồi thuyết phục không xong, vợ chồng ông Đạt đành phải đưa hai lao động này trả cho cơ sở giới thiệu việc làm để lấy lại tiền môi giới 700.000 đồng/người.
Ông Bạc Cầm Minh Đạt cho biết, gia đình ông có 4ha cà phê, cần 7 đến 8 lao động thu hái. Vài ngày trước, ông đã cho người về tận quê ở Thanh Hóa để đưa thêm người vào làm, đồng thời lấy thêm lao động từ cơ sở môi giới để cho kịp thời vụ, nhưng rồi không được như ý.
Có hơn 4 ha cà phê, ông Nguyễn Văn Luyến (xã Tân Hà) phải về tận Ninh Thuận để tuyển lao động. Ông Luyến cho biết, dù mức lương sàn khoảng 2,5 triệu đồng/tháng, nhưng gia đình ông trả công người làm lên đến 3 triệu đồng/người. Ngoài ra, còn phải “chiều chuộng” người làm hết mực để họ gắn bó và trách nhiệm với công việc, “mùa này còn mùa khác”.
Bất cập quản lý thị trường lao động
Tuy nhiên, số nhà vườn có điều kiện để trực tiếp đi tuyển dụng lao động như ông Luyến, hoặc cho người thân về quê nhận lao động như ông Đạt không nhiều, hầu hết phải thông qua cơ sở môi giới. Hình thức hoạt động của các cơ sở môi giới là cho người về các vùng quê (chủ yếu miền Trung và miền Tây) để tuyển lao động đưa lên Tây Nguyên “chuyển nhượng” lại cho người sử dụng với mức 700.000 - 900.000 đồng/lao động.
Theo ông Nguyễn Đức Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà, hoạt động của các cơ sở môi giới này thực ra là có lợi cho địa phương, giúp giới thiệu lượng lớn lao động để giải quyết nhu cầu bức xúc thời vụ. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số đường dây môi giới lao động “chui”, chưa kiểm soát được. Từ đó, nảy sinh một số vấn đề phức tạp như: lao động bị lừa hoặc các đối tượng xấu trà trộn, giả danh lao động để trộm cắp của chủ.
“Cò” lao động không chỉ là vấn nạn tại huyện Lâm Hà mà của cả tỉnh Lâm Đồng và khu vực Tây Nguyên. Theo thống kê, mỗi vụ cà phê, tỉnh Lâm Đồng có đến 60.000 lao động thời vụ từ nơi khác đến. Lượng lao động này đến Lâm Đồng hầu hết thông qua các cơ sở môi giới việc làm, nhưng hiện toàn tỉnh chỉ có 4 đơn vị được cấp phép hoạt động môi giới việc làm, còn lại đều hoạt động “chui”.
Ông Nguyễn Khánh Long, Trưởng phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐTB-XH Lâm Đồng) cho biết, hiện vẫn chưa có quy định nào để xử lý “cò” lao động, vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước chỉ đưa ra các khuyến cáo cho người lao động và người sử dụng lao động để khỏi bị lừa.
Nhưng ngay cả các cơ sở môi giới có giấy phép thì hoạt động cũng còn nhiều bất cập. Theo quy định, một cơ sở giới thiệu việc làm phải có 5 cán bộ đại học chuyên ngành để thực hiện tư vấn cho người lao động. Nhưng trên thực tế, việc tư vấn chỉ là hình thức, thậm chí, có cơ sở còn tư vấn sai lệch, thổi phồng mức lương để tuyển được nhiều lao động.
Mới đây nhất là vụ 26 lao động từ Phú Yên thông qua công ty Đức Hoàng vào Lâm Đồng hái cà phê, nhưng bị “vỡ mộng” vì mức lương không như hứa hẹn, công việc nặng nhọc hơn mô tả của “cò”. Quản lý thị trường lao động, bảo đảm an ninh trật tự địa phương đang là vấn đề nóng của vùng cà phê Tây Nguyên.
B.NGUYÊN - N.VIÊN