Tây Ninh đầu tư tuyến giao thông kết nối đường Hồ Chí Minh

Đường Hồ Chí Minh (đoạn Chơn Thành - Đức Hòa) vừa được Bộ GTVT phối hợp các tỉnh Tây Ninh, Long An, Bình Dương, Bình Phước tái khởi công sau 12 năm chờ vốn, với tổng mức đầu tư hơn 2.292 tỷ đồng từ nguồn ngân sách đầu tư công trung hạn.
Đường ĐT 787B qua địa bàn thị xã Trảng Bàng (Tây Ninh) đang được hoàn thiện
Đường ĐT 787B qua địa bàn thị xã Trảng Bàng (Tây Ninh) đang được hoàn thiện

Xác định đầu tư hạ tầng giao thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nên ngay khi đường Hồ Chí Minh, đoạn Chơn Thành - Đức Hòa (thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây) khởi công xây dựng, tỉnh Tây Ninh đã triển khai đầu tư các tuyến giao thông kết nối trực tiếp, nhằm sớm phát huy hiệu quả của tuyến đường chiến lược đi qua địa bàn.

Đường Hồ Chí Minh (đoạn Chơn Thành - Đức Hòa) vừa được Bộ GTVT phối hợp các tỉnh Tây Ninh, Long An, Bình Dương, Bình Phước tái khởi công sau 12 năm chờ vốn, với tổng mức đầu tư hơn 2.292 tỷ đồng từ nguồn ngân sách đầu tư công trung hạn.

Đoạn tuyến này sau khi hoàn thành sẽ nối thông đường Hồ Chí Minh từ Chơn Thành đến Đức Hòa và qua đường N2 đi về Đồng Tháp, kết nối các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, Bình Dương với vùng nguyên liệu ở Tây Nguyên và Tây Nam bộ; kết nối với nhiều tuyến đường quan trọng khác như cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Mỹ Phước - Tân Vạn, cao tốc TPHCM - Mộc Bài, Vành đai 4 TPHCM… góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư.

Hạ tầng giao thông kết nối Tây Ninh với các tỉnh những năm trước đây còn hạn chế, có quy mô nhỏ, nhất là kết nối với TPHCM gần như chỉ có tuyến quốc lộ 22, từ ngã tư An Sương đến cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, dài 59km. Các tuyến giao thông do Bộ GTVT quản lý trên địa bàn tỉnh rất thấp, chiếm khoảng 1,6% mạng lưới đường bộ toàn tỉnh, đã được đầu tư lâu và đi xuyên qua các đô thị, khu dân cư, hiện đã không đáp ứng được nhu cầu vận tải. Khắc phục các điểm yếu này, giai đoạn 2016-2022, tỉnh đã triển khai 38 dự án với tổng vốn đầu tư gần 6.000 tỷ đồng, mở ra cơ hội liên kết cho tỉnh Tây Ninh với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đến nay, nhiều dự án đã đưa vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư, như: đường ĐT 788, ĐT 794 (giai đoạn 1), đường Kà Tum - Tân Hà, ĐT 781 từ ngã tư Tân Hưng - ngã ba Bờ Hồ kết nối với tỉnh Bình Dương. Các tuyến kết nối liên tỉnh, liên tuyến trực tiếp với cao tốc Bắc - Nam phía Tây như đường giao cách ĐT 782, ĐT 784, nút giao liên thông ở khu vực thị xã Trảng Bàng… cũng được đầu tư.

Theo ông Nguyễn Tấn Tài, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tây Ninh, hơn 2 năm thực hiện những giải pháp mang tính đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, theo Chương trình hành động số 68-CTr/TU của Tỉnh ủy, hiện tỉnh đã hoàn thành 100% nhiệm vụ được giao, đầu tư các dự án giao thông theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Đến nay, địa phương đã hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng 12/22 dự án, trong đó có nhiều tuyến đường giao thông kết nối vùng, kết nối đến các cửa khẩu quan trọng. Và khi đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây hoàn thành sẽ đi qua khu vực khu công nghiệp Thành Thành Công, tỉnh dự kiến sẽ đầu tư các tuyến kết nối để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, tiết kiệm chi phí logistics và hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông.

Tin cùng chuyên mục