Tết ấm áp của du học sinh tại TPHCM

Tết Nguyên đán năm 2024 ở Việt Nam đã để lại cho du học sinh nước láng giềng Campuchia những ấn tượng và kỷ niệm khó quên.

1.

Những ngày giáp tết, bà Phan Thu Nguyệt (sinh năm 1975, ngụ quận 8, TPHCM) tranh thủ đưa con gái nuôi là em Choun Voleakmakmithona (sinh năm 2004, người Campuchia, đang học tại Trường Dự bị Đại học TPHCM) đi sắm đồ tết. Từ khi nhận Choun Voleakmakmithona làm con nuôi, cuộc sống của bà có thêm nhiều điều vui vẻ, ý nghĩa.

screenshot-2024-02-16-055403-893.png
Du học sinh háo hức đón Tết Việt

Bà Thu Nguyệt là chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ ca TP Thủ Đức, hội viên Hội Nhà văn TPHCM, đã từng nhận 4 người con nuôi. Song, lúc nhận nuôi con gái là sinh viên quốc tế, bà vẫn đắn đo, suy nghĩ vì sợ khó khăn trong giao tiếp và văn hóa. Tuy nhiên, bà Nguyệt cảm thấy rất hạnh phúc khi có thêm cô con gái nước ngoài ngoan ngoãn, giỏi giang. Những ngày sắp tết, 2 mẹ con có nhiều thời gian để quây quần, cùng nhau mua sắm, vui xuân.

“Tôi và ca, nhạc sĩ Xuân Chánh cùng nhận nuôi 2 người con Campuchia; cùng đưa các con đi ăn uống, mua sắm tập vở, quần áo để các con cảm nhận được tình yêu thương. Chúng tôi vừa cho đi tình yêu thương, vừa lấy đó làm niềm vui, niềm hạnh phúc và giúp gắn kết được tình hữu nghị giữa 2 đất nước”, bà Nguyệt bày tỏ.

Bà Nguyệt cũng đưa con gái nuôi về nhà, dạy em nấu món ăn Việt Nam. Choun Voleakmakmithona rất thích món bánh xèo của Việt Nam nên bà Nguyệt đặc biệt dạy con gái cách làm nước chấm thật ngon.

Tết năm nay, Choun Voleakmakmithona ở lại ăn tết với mẹ nuôi 2 ngày rồi về lại Campuchia cùng gia đình. Choun Voleakmakmithona chia sẻ, em chưa nói rõ tiếng Việt lắm nên sẽ cố gắng học viết, để đêm về tâm sự với mẹ, nói yêu mẹ và cảm ơn mẹ vì đã yêu thương em, đưa em đi chơi tết. Để giúp con gái nuôi hiểu thêm về truyền thống, văn hóa của người Việt Nam, bà Nguyệt cho biết sẽ đưa em đi tham quan nhiều hơn các di tích lịch sử, tham gia các hoạt động thơ, ca, văn hóa văn nghệ...

2.

Hen Samart (sinh viên năm thứ 5, ngành y đa khoa Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) cho biết, em rất háo hức khi được đón tết cổ truyền ở Việt Nam. Hen Samart chia sẻ, em đã ở Việt Nam 6 năm và cảm nhận được sự khác biệt giữa ngày tết ở Việt Nam và Campuchia.

p4b-5136.jpg
Hen Samart (ngoài cùng bên trái) cùng bạn bè đón tết tại Việt Nam. Ảnh: NVCC

“Vì ở Việt Nam lâu, em đã coi đây là quê hương thứ 2 của mình nên em đã sắm áo dài và nón lá. Em cũng rất hào hứng vì dịp tết, sinh viên Việt Nam có kỳ nghỉ dài hơn rất nhiều so với tết ở Campuchia. Em có thể đi chơi đến ngày 30, mùng 1 ở TPHCM rồi mới về nhà nghỉ lễ”, Hen Samart nói.

Hen Samart chia sẻ, em đã được ăn mâm cỗ ngày tết ở TPHCM, đặc biệt rất thích ăn cơm với thịt kho tàu, bánh tét, canh khổ qua. “Em thấy rất thú vị khi biết được ý nghĩa canh khổ qua giúp xua đi những khổ cực của năm cũ, chào đón năm mới tốt lành, hạnh phúc. Tiếng Việt và văn hóa Việt Nam với em cũng trở nên thú vị hơn nhiều nhờ những câu chuyện ý nghĩa như thế này”, Hen Samart nói.

Hen Samart cho biết, do đặc thù nghề nghiệp nên em thường xuyên ở bệnh viện, tiếp xúc với nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, đến dịp tết cổ truyền, mọi người đều quên đi khó khăn, vất vả, cùng quây quần bên nhau chào đón năm mới nhiều cố gắng, nỗ lực hơn. “Em cảm nhận được tầm quan trọng của ngày tết đối với mỗi người Việt Nam. Các bệnh nhân dù đang điều trị bệnh nhưng vẫn vui cười đón tết với các thành viên trong gia đình. Em càng thêm yêu và trân trọng cuộc sống cũng như những trải nghiệm tốt đẹp ở Việt Nam”, Hen Samart chia sẻ.

3.

Keo Linda (sinh năm 2001 du học sinh Campuchia đang học tập tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) cũng cho biết, em rất vui khi từng đón Tết Nguyên đán tại Việt Nam. Linda chia sẻ, em được ba mẹ của bạn thân người Việt Nam đón về nhà tại huyện Củ Chi (TPHCM) ăn Tết Nguyên đán năm 2023 và rất ấn tượng với những phong tục, truyền thống văn hóa năm mới của người Việt. Điều gây ấn tượng làm em nhớ mãi không khí ấm áp, vui vẻ, tất bật của gia đình bạn khi đi mua chậu hoa cây cảnh, cây mai, đồ treo trang trí tết. Đặc biệt là lúc giao thừa, sau khi xem pháo hoa xong, em được mẹ bạn tặng bao lì xì.

Linda cũng cho biết, em mong muốn đón thêm nhiều cái tết ở Việt Nam nữa để sau này về nước sẽ không nuối tiếc. “Thời gian học tập tại TPHCM cho em nhiều kỷ niệm. Ba mẹ bạn cũng nhận em làm con nuôi và đón em về nhà ăn tết như một thành viên trong gia đình, em thấy rất ấm áp và vơi bớt nỗi nhớ nhà”, Linda nói.

Tin cùng chuyên mục