Tết gia đình tôi – gia đình người Hoa

Quận 5, quận 6 (TPHCM) được nhiều người vẫn gọi là khu Chợ Lớn, nơi tập trung đông đúc người Hoa. Người Hoa luôn có những lễ tiết tương đồng với người Việt, cũng có những cái riêng biệt. Người Hoa cũng đón tết cổ truyền giống người Việt, một sắc màu riêng biệt khu Chợ Lớn không lẫn đâu được.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Gia đình tôi gốc Hoa, nên đón tết cũng theo truyền thống người Hoa. Mỗi nhà mỗi cách đón tết khác nhau, gia đình người Hoa sẽ khác gia đình người Việt, và cũng nhiều gia đình người Hoa đón tết theo cách không giống nhau. Nếu ai hỏi tôi rằng người Hoa Chợ Lớn đón tết như thế nào, có lẽ tôi sẽ kể họ nghe cái tết nhà tôi, xung quanh hàng xóm nhà tôi, phần lớn là người Hoa, tết người Hoa Chợ Lớn chẳng có mẫu số chung.

Ngay khu vực nơi tôi sống - một khu chung cư cũng khá lâu đời, đón nhận một “không gian nhạc tết Quảng Đông” vào mỗi sáng sớm. Ngay đầu tháng Chạp thôi, từ nhà tôi lầu 3 đi xuống tới tầng dưới cùng hầu như tầng nào cũng đều mở nhạc tết Quảng Đông đầy sinh động. Điệu nhạc tưng bừng, hứng khởi, có vài nhà mở loại nhạc cổ điển, báo hiệu một cái tết đang dần về. Nhà tôi cũng mở nhạc vào sáng sớm, đầu tháng Chạp nghe nhạc tết Quảng Đông như liều thuốc tiếp thêm khí thế, nhắc nhở một ngày mới phải cố gắng làm việc chăm chỉ hơn để cái tháng cuối năm kiếm thật nhiều tiền cho một cái tết ấm no hơn.

Ngày 23 tháng Chạp đưa Ông Táo về trời, cúng bằng cây mía, gia đình tôi không có thắp nhang cho ông Táo, đến khi trưa giao thừa mới cúng mời ông Táo về lại nhà. Khoảng trưa giao thừa, gia đình tôi tranh thủ tắm rửa sạch sẽ, gia đình tôi cũng như nhiều gia đình Hoa khác, sống nhiều thế hệ nên khá đông thành viên, phải tắm gội nhanh trước bữa cơm chiều.

Gia đình tôi kiêng kỵ gội đầu mùng 1 Tết (không chỉ có tết thôi, những ngày mùng 1 và ngày rằm các tháng cũng đều kiêng như vậy). Bữa cơm chiều giao thừa, tập trung đầy đủ các thành viên trong gia đình, các cậu, dì nếu có ở riêng thì cũng tập hợp về nhà tôi ăn một bữa cơm đoàn viên (tôi ở với nhà bà ngoại từ nhỏ). Sau bữa cơm, mọi người cùng ngồi lại trò chuyện vui vẻ, ôn lại những kỷ niệm năm cũ hoặc xa hơn, hướng đến một năm mới với nhiều hy vọng hơn.

Sau bữa cơm chiều, ai cũng có kế hoạch riêng. Lúc còn nhỏ thì tôi ở nhà, lúc lớn thì tôi đi với bạn bè xem pháo hoa ở quận 1 rồi đi những ngôi miếu xung quanh quận 5. Đúng 12 giờ đêm, mợ tôi thường là người cúng giao thừa, trước đó nữa mợ chưa làm dâu thì dì tôi là người cúng.

Trong lúc cúng thì lại mở băng nhạc tết Quảng Đông, đa số mọi nhà đều thức cúng giao thừa, cũng có nhiều nhà mở nhạc nên gia đình tôi cũng mở âm lượng nhỏ để không phiền tới mọi người. Có vài năm, bạn bè của dì, của cậu, hoặc vài em họ của tôi tới chơi lô tô xuyên đêm giao thừa, rồi “cày” tiếp những hoạt động nguyên ngày mùng 1 Tết mới được một giấc ngủ ngon.

Mùng 1 Tết, gia đình tôi đi chùa, đi miếu, có năm thì đi hết những ngôi miếu ở quận 5 trong đêm giao thừa, đến sáng mùng 1 lại “xung”, đi tiếp với gia đình. Mọi năm, gia đình tôi đi chùa ở quận Thủ Đức (nay là TP Thủ Đức), đi đủ 10 ngôi chùa, với quan điểm “thập toàn thập mỹ”. Hồi trước, gia đình tôi có vài chiếc xe Honda Cub 50, chạy tàng tàng cũng lên tới Thủ Đức.

Ngôi chùa đầu tiên không thể bỏ qua là chùa An Lạc ở đường Kha Vạn Cân xưa, với quan điểm đi chùa An Lạc là được an lạc cả năm. Hồi nhỏ, tôi mê mẩn với đường ray xe lửa, công viên nước Saigon Water Park hoành tráng. Ngoài chùa An Lạc, tôi còn đi thêm 9 chùa khác như Chùa Một Cột, Chùa Ông (Thất Phủ Quan Đế Miếu - đường Kha Vạn Cân), chùa núi Châu Thới (Bình Dương)... Với chiếc Cub 50 thời ấy, về tới nhà khá tối, những vẫn đi vòng vòng khắp xóm chơi để hòa chung không khí tết.

Mùng 2 Tết, gia đình cúng “khai niên”, cúng mở đầu một năm mới. Từ mùng 2 Tết, nhà tôi rộn ràng hơn khi nhiều người tới chúc tới, và nhà tôi cũng đi nhiều nơi chúc tết. Nói về phong tục lì xì của người Hoa, những ai có gia đình mới được lì xì, con nít hoặc ai chưa có gia đình được nhận lì xì, dì tôi hơn 50 năm tuổi lúc ấy vẫn được nhận lì xì.

Hiện tôi ở Rạch Giá, luân phiên cách năm ăn Tết giữa Sài Gòn - Rạch Giá. Hồi tưởng lại tết xưa còn bà ngoại, còn dì, đó là khoảng thời gian tết khá vui, ý nghĩa, khi mà con cháu tề tựu đông vui nhất. Hồi tưởng ấy như một động lực để mọi người trong gia đình kết nối nhau hơn, cùng cố gắng hơn trong cuộc sống, dù có vài thành viên – trong đó có tôi, đang sống xa ngôi nhà dấu yêu rộn tiếng cười ấy.

NGHI HUY

Chung cư 444 Ngô Quyền, phường Vĩnh Lạc, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang

Tin cùng chuyên mục