Tết miền Trung

Con trâu già lững thững đi trước, thi thoảng ngoạm bụi cỏ ven đường còn ướt sương đêm. Cái rét cuối đông tê tái. Bố tôi vác cày đi sau.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
Chợ quê ngày tết
Chợ quê ngày tết

Xa xa thấp thoáng những cánh cò trắng chao lên đậu trên mấy cành cây bạch đàn lác đác lá. Những ngày cuối năm, nhà nào ở quê tôi cũng tất bật gieo mạ, cày xới để kịp xong gieo trồng trước khi đón tết.

- Nhà bác Sơn năm nay cấy cày sớm thế!

- Làm sớm nghỉ sớm ạ! – Bố tôi vừa trả lời vừa đánh roi vào mông con trâu giục nó đi nhanh hơn.

Nhà tôi năm nay phải làm ruộng đồng sớm hơn vì chỉ còn mấy ngày nữa cả nhà đón nàng dâu mới. Vì thế mà những ngày cuối năm rộn ràng và bận rộn hơn.

Và ngày đón dâu cũng đến, phía trước sân rạp cưới với màu chủ đạo là hồng được điểm thêm những bông hoa cam, trắng, có sân nhỏ cho mọi người check-in cùng cô dâu chú rể. Từng đĩa cốc, giấy lau, tăm... được sắp xếp gọn gàng trên từng bàn. Trong nhà bếp, bác dâu tôi đang nấu món thịt bung bằng nồi to, anh họ chặt từng miếng thịt gà xếp vào đĩa. Các bác, các cô, các dì ở sân sau, người thì nhặt hành, nhặt gừng, gọt su hào, người thì rửa rau, người thì nấu nước chè… Ai cũng việc này việc kia, ồn ào và vui vẻ. Khói từ căn bếp trong nhà, từ bếp sân sau bay lên ngọn dừa và tỏa đi trong không gian mờ mờ sương của những ngày cuối năm.

- Thương ơi! Vào thay đồ mà đón khách với bố mẹ đi, để đó lát chị làm cho.

Chị họ gọi tôi lên nhà trên để đón khách cùng bố mẹ. Mẹ tôi chọn chiếc áo dài màu hồng hoa sen. Vì nhà trai nên không thuê thợ trang điểm. Tôi trang điểm và làm tóc cho mẹ trong phòng mình. Bố đang tiếp khách ngoài phòng khách. Đĩa trầu cau được têm gọn gàng và đẹp đẽ xếp trên đĩa cùng đĩa kẹo, mấy gói thuốc lá và nước chè xanh, hoa tươi để trên bàn. Khách đến đều chúc mừng gia đình và mừng cưới bằng chiếc phong bì nhỏ xinh đặt vào chiếc hộp mây hình trái tim có khắc chữ cô dâu và chú rể trên đó.

9 giờ 30 xe hoa và đoàn đón dâu về đến cổng. Cả nhà tôi ra tận nơi đón chị dâu. Cô dâu trong chiếc váy cưới màu trắng, khuôn mặt rạng rỡ bước xuống xe được anh trai tôi và mẹ tôi dìu. Các bác, các chú, các cô nhà tôi ra tiếp đón nhà gái. Nhà gái có bố, anh trai và các chị em gái của cô dâu đi cùng. Tiếng pháo, tiếng nhạc, tiếng nói cười râm ran khắp làng quê.

28 tết, mẹ bảo:

- Hai chị em ra ngoài chợ xem mua hoa gì về mà chưng.

Vì chưa quen đường sá nên tôi đèo chị dâu trên chiếc xe Dream cũ màu của bố. Hai chị em vừa đi vừa kể về anh trai tôi, anh ấy tính khí thất thường và đôi khi hài hước đến thế nào. Làn mưa bụi làm ướt tóc mai, vai áo chị và tôi. Con đường đất đỏ do mưa cũng trở nên gập ghềnh và khó đi.

- Em ơi mình rẽ vào chợ xem cây đào nào đẹp thì mua đi!

- Dạ vâng ạ! Nó ở phía sau cổng trường cấp 3 huyện chị à.

- À mà thôi, mình đi mua lồng đèn treo trước sân đã, anh Trường dặn chị mua.

Sau khi hai chị em tôi vào mấy cửa hàng, chụp ảnh rồi gửi anh trai tôi nhưng vẫn không ưng ý được chiếc nào. Hai chị em rẽ vào chợ mua đào. Chợ tết những ngày cuối năm khá đông. Các bà, các chị trải thảm ngồi khắp chợ, nhà ai có gì thì bán nấy, nào cam, nào chuối, rau, bánh, trầu cau….

Mẹ tôi quét trước sân vườn, cắt cỏ cho con trâu ăn, dặn tôi trông chừng nồi cám lợn cho xong sớm để lấy bếp luộc bánh chưng. Chị dâu tranh thủ tắm, gội đầu bằng lá bưởi đón giao thừa. Trong nhà, bố và anh trai tôi đang gói bánh chưng, bánh tét. Năm nay thêm người nên mẹ bảo gói nhiều hơn. Những chiếc lá dong xanh mướt ôm lấy từng hạt nếp trắng nõn cùng với thịt lợn, hành, đỗ xanh là hương vị mà dù bao năm xa nhà, anh em tôi vẫn không bao giờ quên được. Tôi tranh thủ lau dọn bàn thờ, rửa cắt mấy cành quất, hái lá trầu không để chưng lên bàn thờ gia tiên. Bàn thờ ngày tết mẹ bảo bao giờ cũng phải có chuối tiêu và quả quất, lá trầu quệt một vệt vôi trắng. Hình ảnh đó từ bé đã đi vào những bức tranh trong tuổi thơ tôi, đến giờ vẫn treo trong phòng học đã bạc màu vì năm tháng.

Vì quá mệt chuẩn bị đám cưới nên anh trai và chị dâu tôi không đón giao thừa mà đi ngủ sớm. Tôi vừa xem các Táo chầu trời vừa gọt hình hoa của cà rốt để làm dưa món. Trong khi mẹ ra chuồng gà bắt con gà trống làm thịt để cúng giao thừa thì bố vừa trông nồi bánh chưng vừa rót rượu vào chai để ngày mai mời khách đến chúc tết. Ngoài sân con Vện vẫn thiu thiu ngủ cạnh đống rơm, hình như nó vẫn dửng dưng mỗi khi tết đến.

Nồi bánh luộc từ chiều đến giao thừa cũng đã chín. Mẹ vớt bánh chưng lẫn bánh tét ra cho ráo nước. Mùi bánh được vớt ra, đó là mùi gạo nếp quyện với lá dong được nấu chín từ đêm qua, đó không phải là mùi hương của một món ăn, mà là mùi hương của cả một năm lao động, cày sâu cuốc bẫm. Vẫn là thứ lúa nếp mẹ trồng từ hồi tháng Bảy, là con lợn mẹ nuôi từ đầu năm, là đống củi bố gom từ đầu đông, những củ hành tôi mua được trong phiên chợ cuối năm. Phải là người con của một gia đình thuần nông mới thấy hết được những dư vị gom góp trong từng chiếc bánh chưng, bánh tét, là cả một quãng mưu sinh và gánh gồng sương gió của ba má.

Đồng hồ điểm 0 giờ, bố thắp hương ngoài sân cầu mong năm mới mưa thuận gió hòa, cả nhà bình an, hạnh phúc. Mẹ tôi vẫn lụi hụi với món thịt bung dưới bếp để chuẩn bị cho mấy ngày tết. Trong nhà, lời chúc tết của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được gửi đến cả nước với mở đầu quen thuộc: “Thưa đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước…”

Tiếng pháo hoa nổ râm ran khắp làng làm con Vện sợ hãi chạy vào trong nhà.

Một mùa xuân mới, một năm mới lại bắt đầu…

NGUYỄN THỊ HỒNG THƯƠNG

Phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội

Tin cùng chuyên mục