Tết nhớ ông nội

Năm nào cũng vậy, cứ vào ngày 23 tháng Chạp ông nội tôi lại đi tảo mộ tổ tiên. Tôi nhớ hồi còn bé thường theo ông đi tảo mộ. Những ngôi mộ đơn sơ nằm rải rác trên các gò quanh làng. Ông thường tỉ mẩn ngồi nhổ từng khóm cỏ xung quanh mộ một cách ân cần. Ông chỉ cho tôi biết người nằm dưới mộ là ai, tôi phải gọi họ như thế nào… Mùi nhang lan tỏa qua làn khói mỏng manh bay lên thơm một niềm ấm áp.

toi-dua-cac-con-tham-mo-ong-noi-vao-dip-cuoi-nam-5969.jpg

Hồi đó nhà còn nghèo, ngôi nhà mái lợp lá cọ rộn ràng vào những ngày áp tết. Bà và mẹ thì cọ rửa lá dong ngoài giếng. Những tàu lá xanh óng như niềm mong ước một năm mới no ấm đủ đầy. Hương gạo nếp, đỗ xanh thơm lựng như muốn nói tết đã đến đây gần lắm, thật gần. Mấy anh em tôi chạy nhảy lăng xăng xung quanh, thi thoảng xán lại chỗ hai người gói bánh chỉ trỏ, bàn tán một cách đầy thích thú. Rồi thể nào chúng tôi cũng được mẹ gói cho mỗi đứa một chiếc bánh chưng nhỏ xíu.

Ngoài vườn, bố đã đem những khúc củi to ra dùng búa bổ thành nhiều mảnh để mẹ nấu bánh chưng. Tiếng bổ củi toang toác mang đến một không khí tết náo nức trong tôi. Tôi có thể hình dung ra ngay cái cảnh nồi bánh chưng sôi ùng ục. Hơi ấm tỏa ra từ bếp lửa làm hai má tôi căng lên, ửng đỏ.

Tôi nhớ nhất là những khi được cùng ông nội lau dọn bàn thờ. Ông thường vừa làm vừa trò chuyện với tôi về ý nghĩa ngày tết. Trong khi ông lau bàn thờ bóng lên như mới thì tôi mải mê ngắm nhìn những thứ quả và mứt bánh đặt nơi mâm gỗ ông đặt trên cái sập ngay giữa gian nhà. Xong đâu đấy, ông đem những thứ ấy xếp lên bàn thờ. Mùi bưởi dây (giống bưởi da sần) thơm mát, cộng với mùi mứt tết tỏa ra làm tôi thấy lòng mình vui, cảm xúc rộn ràng lan ra, mãi ngân lên rồi bật thành lời tết.

Khi đã xếp đặt chừng đã ưng ý, ông tôi lại đem hai cây mía xếp ở hai bên bàn thờ. Ông bảo, hai cây mía là biểu trưng cho sự kết nối âm dương, là những ngọt ngào thơm thảo của cháu con dành cho tổ tiên ông bà. Tôi thì chẳng hiểu mấy những lời ấy, chỉ thấy có hai cây mía bàn thờ sẽ ngày tết sẽ sinh động hơn nhiều.

Chiều 30 tết, mâm cơm cúng tất niên được đặt trước bàn thờ. Ông đứng nghiêm trang thắp nhang thành kính dâng lên rồi lầm rầm khấn vái. Tôi đứng đằng sau cũng chắp tay nhưng chẳng biết khấn gì, mùi nhang thơm lan tỏa khắp gian nhà. Ngoài vườn, giàn nhót đã ra hoa, những kẽ lá chen chúc hoa là hoa như muốn chứng minh rằng mùa xuân đang hiện hữu. Nơi góc sân, mấy cánh đào phớt hồng cười thơm mùi nắng, góp vào ngày xuân một điều tha thiết yên vui.

Mâm cơm tất niên ngày ấy cũng đơn sơ, hầu như chỉ hơn ngày thường chút ít và đúng với câu nói bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành. Lũ trẻ nhà nghèo chúng tôi cả năm chẳng được ăn thịt nên có miếng thịt mỡ là ăn ngấu ăn nghiến. Ông thường bảo nhỏ với cả nhà để cho chúng tôi ăn thoải mái. Thế là, bằng sự thèm thuồng và ngây thơ của trẻ con, chúng tôi đã đánh chén sạch bóng đĩa thịt lợn mà tưởng rằng người lớn thì không thích ăn thịt! Tôi vẫn còn nhớ ánh mắt hiền từ và ấm áp mà ông dành cho chúng tôi. Đó có lẽ là niềm hạnh phúc của những người nghèo khi nhìn thấy con cháu mình hả hê vì những thức ăn ngon.

Và cứ như thế, trong những ngày tết tiếp sau đó, chúng tôi lại tiếp tục hồn nhiên sở hữu những đĩa thịt mà người lớn chỉ còn được vài miếng nho nhỏ. Những kỷ niệm ấy, chỉ sau này khi lớn lên, tôi mới được bố mẹ kể lại. Tôi cười mà trong lòng rưng rưng…

Hồi bé, tôi là người ngủ cùng với ông nội. Những câu nói, những đức tính của ông cũng ảnh hưởng tới tôi ít nhiều. Ông vốn là người điềm tĩnh, ăn nói hoạt bát nhưng từ tốn. Những cư xử đúng mực của ông được dân làng và người nhà tôn trọng. Những điều về phong tục đón tết, sự biết ơn tổ tiên nguồn cội ông truyền dạy, tôi vẫn ghi nhớ trong lòng cho đến hôm nay. Ông nói, những gì là cái đẹp của phong tục Việt thì cần phải gìn giữ lưu truyền.

Giờ đây, ông nội đã là người thiên cổ. Cuộc sống bây giờ đã thay đổi nhiều, tết cũng đủ đầy nhưng lòng tôi vẫn không nguôi nhớ về tết cũ. Nhớ những ngày thơ bé cùng ông xếp dọn bàn thờ, nghe ông giảng giải những điều về tết. Tôi lại ước mình trở về ngày ấy, làm chú bé hưởng cái tết nghèo mà ấm áp hơi ấm tình thương gia đình, cái hơi ấm mà chỉ tết nghèo mới có, nó không thể nào hiện hữu nơi những mâm cỗ đủ đầy của thời hiện tại.

LÊ MINH HẢI

Huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ

Tin cùng chuyên mục