Tết ơi, mi đến từ đâu?

Trên 60 que bắt đầu chiêm nghiệm về cái gọi là tết, hay nói đúng hơn là tết bắt đầu từ đâu? Tất nhiên sự chiêm nghiệm hay suy nghĩ lẩn thẩn vào dịp cuối năm để dọn mình cho cái tết sáu mươi mấy “bó” nầy cũng chưa hẳn là khuôn vàng thước ngọc. Bình tĩnh mà suy xét thử xem cái gì đã mang đến không khí tết chỉ mới bắt đầu từ tháng Chạp - khi mà lòng biết rộn ràng “cha, còn tháng nữa tết rồi, phải chuẩn bị lo sốt vó con cào cào đây”.
Tết ơi, mi đến từ đâu?

Trên 60 que bắt đầu chiêm nghiệm về cái gọi là tết, hay nói đúng hơn là tết bắt đầu từ đâu? Tất nhiên sự chiêm nghiệm hay suy nghĩ lẩn thẩn vào dịp cuối năm để dọn mình cho cái tết sáu mươi mấy “bó” nầy cũng chưa hẳn là khuôn vàng thước ngọc. Bình tĩnh mà suy xét thử xem cái gì đã mang đến không khí tết chỉ mới bắt đầu từ tháng Chạp - khi mà lòng biết rộn ràng “cha, còn tháng nữa tết rồi, phải chuẩn bị lo sốt vó con cào cào đây”.

Ai lo tết sớm nhất?

Theo tôi, những người chuẩn bị tết sớm nhất, lo cho ngày tết nhiều nhất ấy là các tờ báo. Từ ngày xưa cho tới bây giờ, báo miền Bắc hay báo miền Nam (trừ báo nước ngoài) đều chuẩn bị số báo tết từ tháng 11 dương lịch. Tại sao mới tháng 11 mà phải chuẩn bị cho tết? Để có báo bán trong tháng 1 năm mới (là những ngày nằm trong tháng Chạp âm lịch), nhà báo phải viết bài, phải phỏng vấn và phải tưởng tượng nàng xuân đến bên cửa sổ từ năm ngoái. Ái chà, cái này mới gay go đây, khi ngoài đường chưa thấy không khí tết mà trong lòng văn nhân ký giả phải có tết. Rồi các báo đua tranh nhau ra sớm nhất để có thể ở thế thượng phong so với báo bạn. Chủ nhiệm bao giờ chẳng muốn báo mình bán đắt nên mời toàn những tay viết nổi tiếng. Rồi mỗi khi thấy những tờ báo xuân với hình bìa là những mỹ nữ, những cô diễn viên điện ảnh, sân khấu phơi thây (tờ báo) trên các sạp, thấy không khí đã vào mùa tết.  Muốn biết bao giờ có mùa xuân xứ này thì dễ lắm. Cứ khi nào nhìn vào sạp báo thấy báo xuân bày bán đủ sắc màu thì biết là tết gần đến rồi nhé.

Minh họa: THI MAI

Vui như những tiệm bán sơn

Chưa tết mà mấy ông chủ tiệm bán sơn vui như tết đến được lì xì.

Nếu những tiệm bán sơn nhỏ lẻ, bình thường hàng tháng bán chẳng được bao nhiêu thì đến đầu tháng Chạp doanh số tăng lên thấy thương. Nhà giàu thì cho thợ xây dựng, sữa chữa đến mua từng chục thùng sơn lớn, còn nhà nghèo thì mua từng thùng, từng thùng theo điệp khúc chừng nào sơn hết sơn thì mua nữa cho đỡ tốn kém.

Ấy là người giàu, người nghèo ai ai cũng muốn có cái mặt tiền nhà cửa sạch đẹp. Cha con hì hục sơn cửa sơn nhà. Đi ngang nhà nào cũng nghe mùi sơn, mùi vữa, nhất là trong những xóm nghèo, người ta thay nhau đổi mới căn nhà, chỉ cần lớp sơn mới đè lên lớp sơn cũ - mặc kệ cánh cửa như thế nào? (Gọi là đổi mới được nhà cửa được chăng?). Không biết nhà sạch đẹp như cỡ nào, có hên trong năm mới hay không, nhưng khi công việc xong, nhà cửa mới mẻ, thơm tho mùi sơn mới thì những gia đình đó đã thấy tết - một cái tết với tình gia đình gắn bó trong dịp sửa sang nhà cửa đón tết.

Chợ tết xóm nhỏ

Khi các chợ lớn thuộc loại có “số má” như Bến Thành, Bình Tây chưa chuẩn bị chưng bày hàng tết thì các chợ xóm nhỏ đã tranh thủ bán đủ thứ củ kiệu, củ hành, những loại mứt đựng đầy trong các bao tải to “ở trần” cho bà con mỗi người đi ngang thử một miếng nếu được thì mua, không được thì thôi, như một cách tiếp thị. Có tiền rủng rỉnh thì chọn những gói quà đủ màu sắc rực rỡ và giá tiền cũng rực rỡ không kém. Ngoài những sạp hàng bán cá, thịt, rau, trái cây hàng ngày lại xuất hiện thêm những gian hàng đổ đống những thứ dành riêng cho tết. Nói gian hàng có vẻ to tát, chứ thực ra chỉ là một tấm ni lông trên một khoảnh đất nhỏ đầy những mặt hàng mà những gia đình người Việt thường hay dùng trong ba ngày tết. Nào là những củ kiệu, củ hành tươi còn cả gốc, nào là mứt gừng, mứt bí, mứt me, hột dưa… Rồi nào là những cây hoa mai, hoa đào, cúc bằng nhựa đủ màu sắc chỉ phù hợp cho những gia đình nghèo, bình dân nào là tấm áo, manh quần mới dành cho con trẻ. Chợ nhỏ - nghèo trong một khu phố lao động nên hàng hóa cũng tầm tầm. Rộn rã nhất là những hàng thịt heo, với số lượng thịt tăng gần gấp đôi ngày thường. Cạnh những quầy thịt heo là những sạp bán hột vịt tươi cho đủ cặp đôi trong nồi thịt kho tàu dành để dùng dần suốt ba ngày tết. Những lồng gà đang úp sọt những con gà đi bộ khỏe mạnh cất tiếng gáy vang trong một khoảnh chợ. Đâu đó tiếng rao mời chào khách hàng mua những bao lì xì đỏ cho em nhỏ nó mừng… Không thể thiếu văn nghệ đường phố. Đó là chiếc xe ba bánh, có gắn một thùng loa to tướng đang hát những bản nhạc xuân kiểu “Tết…tết…tết… tết đến rồi…”. Năm nay mới hơn là có thêm bản “Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi/ Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi/ Người thương gia lợi tức/ Người công nhân ấm no/ Thoát ly đời gian lao nghèo khó”… kèm theo lời giới thiệu “phim hài vui tết, cười lấy hên, tiền vào như nước sông Đà, nếu ra thì chảy như cà phê phin…”.  “Chợt thấy vui như trẻ thơ” (Trịnh Công Sơn) với những cái đầu lân, mặt nạ ông địa nho nhỏ, làm thủ công, không đẹp bằng những loại đầu lân thứ thiệt nhưng cũng đủ làm vui các em nhỏ bằng tiếng trống “tùng cắc tùng tùng”, tiếng lẻng xẻng của xập xỏa.

Chen nhau ngoài đường

Xe cộ ngoài đường đua chen tấp nập. Góp phần không nhỏ trong chuyện kẹt đường, kẹt xá là những chuyến xe chở đầy những gói quà màu đỏ đặc trưng của quà tết chở đến từng cơ quan. Những chuyến xe này đi thể hiện tình cảm nhân dịp cuối năm...

Ấy là chưa kể đến lực lượng người chạy đi rút tiền tại các cây ATM. Gần tết, các cây nhả tiền này hân hạnh đón qua nhiều “người quen” nên chơi trò em chả còn tiền. Thế là khổ chủ phải chạy tìm những cây ATM khác để tết này có chút mà tiêu hay kịp gửi tiền về quê cho gia đình vui vẻ, con trẻ nó mừng.

Liên hoan tất niên

Trước khi chia tay, nhiều công ty, cơ quan đã tổ chức tất niên rôm rả. Đâu đâu cũng thấy ghế bàn, bia bọt bắt đầu từ chiều đưa ông táo về trời. Hết tất niên ở cơ quan mình liền được mời tất niên cơ quan bạn. Chưa hết, cánh đàn ông còn tất niên nhiều nhóm bạn khác nhau. Chiều nay bạn học ngày cũ, chiều mai sẽ là bạn từ thời đại học, chiều mốt là liên hoan tiễn bạn về quê, chiều ngày kia rồi chiều ngày tới rồi ngày... tới nữa, tới cho đến chiều 29 là đủ thứ nhóm bạn đầy tình thương mến thương trên bàn nhậu.

Chưa hết, bây giờ còn liên hoan tới hẻm. Những nhóm liên hoan này còn làm khổ bà con chòm xóm hơn nữa vì có thêm một món nhậu mới không có ghi trong “chương trình bàn nhậu” là karaoke. Thôi thì những giọng ca đanh thép khi hát nhạc trữ tình, bolero… cất lên giữa trời khuya, không thèm ngưng nghỉ cho đến khi gục ngã giữa “chiến trường bàn nhậu” vì xỉn.

Vây đó… là những ngày trước tết mà rất tết. Hết mùng một coi như hết tết. Đó là những ngày buồn cho cánh đàn ông phải thúc thủ ở nhà chờ bạn đến chúc tết. Tâm trạng những người này thì không thể nói như tết được mà phải nói là vui như hết tết. Vậy tết là những ngày nào? n

Phiếm luận vui của LÊ VĂN NGHĨA

Tin cùng chuyên mục