Tết về nhà

Mẹ xem ti vi thấy nói giá vé máy bay tết này đắt đỏ lắm. Mẹ khuyên hay là dành tiền, để sau tết về cho tiết kiệm. Mẹ nói vậy nhưng con biết, “nếu con không về chắc mẹ buồn lắm”.

Trước tết khoảng 1-2 tháng, chủ đề được bàn tán sôi nổi nhất với những người con xa xứ là tết này có về quê không. Gặp nhau ai cũng hỏi thăm. Người ở lại thì ngậm ngùi. Người về cũng canh cánh lo toan. Khi giá vé máy bay leo thang từng ngày, tiền vé có khi chỉ là một phần nhỏ. Không lẽ, cả năm, thậm chí vài năm đi làm ăn xa, về với đôi bàn tay trắng ngày tết? Thêm nữa, cái cảnh chen chúc ở sân bay, nhà xe, bến tàu… khiến nhiều người tỏ ra ái ngại. Đặc biệt, ngoài chuyện đắt đỏ ngày tết, cái gì cũng vội. Bỏ số tiền ra không ít nhưng về cũng vội, ở nhà chớp nhoáng và đi cũng vội luôn.

Nhưng với những người con xa xứ, dù bôn ba trong dải đất hình chữ S hay biền biệt nơi xứ người, ngày tết cổ truyền đến gần, lòng ai cũng chỉ mong hướng về quê hương. Với nhiều người may mắn, còn cha còn mẹ để về, niềm vui càng nhân lên gấp bội của ngày đoàn viên, sum họp. Con cái đoàn tụ với mẹ cha, cháu ở xa được gần ông bà những ngày ít ỏi. Đó là khoảng thời gian tình thân được siết chặt hơn bao giờ hết. Đó cũng là cái cớ chính đáng nhất để có thể bớt chi tiêu chỗ này, dằn túi chỗ kia đặt cho bằng được tấm vé về ăn tết quê nhà. Khi song thân khuất bóng, mọi cuộc trở về chỉ còn là trong ký ức, với những miền nhớ và niềm đau đáu về những ngày xa xưa.

Trong những cuộc trở về ngày tết, có nhiều thứ khiến chúng ta vấn vương. Đó là khoảnh khắc cả nhà cùng quây quần gói bánh chưng trong tiết trời se lạnh những ngày mưa phùn, gió bấc của miền Bắc. Cảm giác ngồi bên bếp lửa trông bánh chưng chờ trời sáng, nướng vài củ khoai, bắp ngô… sao thấy ấm lòng. Nhà nào ăn tết lớn rộn ràng hơn còn mổ heo, chia mỗi người một góc rôm rả suốt từ khi trời còn tảng sáng và đã kịp xong xuôi thật sớm, để về nhà bày biện nấu nướng tươm tất, trước là mời các cụ đã khuất, sau để làm mâm cơm tất niên gia đình cuối năm. Đó luôn là mâm cơm thật đặc biệt, gói cả vui buồn của một năm đã qua và mong ước năm mới thuận hòa, hạnh phúc.

Tết về cuộn theo những mùi hương đặc trưng. Chiều 30 nào đâu thiếu một nồi nước mùi già để thanh tẩy cơ thể. Mùi hương trầm quyện trong cái lạnh nhưng không khí gia đình luôn đầm ấm. Mùi đồ ăn nào là thịt nướng, thịt đông, bánh chưng, dưa hành, cá kho… tưởng là ngán nhưng càng lạnh ăn càng thấy ngon. Tết về bừng lên sắc màu của hy vọng. Cành đào phai hòa với màu cúc vàng trên bàn thờ tổ tiên. Trước hiên nhà, là cây quất (tắc) với những trái lúc lỉu, vàng rực điểm thêm những bông hoa trắng tinh khôi. Là những phong bao lì xì đỏ gói trong đó niềm vui và những lời chúc may mắn cho người già, con trẻ.

Và, tết có bao giờ thiếu những thanh âm hạnh phúc. Ngày tết, nhà nào cũng kiêng to tiếng, dành cho nhau những lời ngọt ngào. Không còn tiếng pháo truyền thống đêm giao thừa nhưng pháo hoa nay rộn ràng, lại bung nở trên nền trời đêm. Tết, câu cửa miệng ai gặp nhau cũng là những lời chúc xuân. Và tết còn có những khoảng lặng để ta chiêm nghiệm. Nhìn mái nhà đã nhuốm màu rêu phong, đôi khi thấy tiếc vì thời gian trôi quá nhanh, tóc mẹ cha đã điểm bạc.

Đời người, còn được bao lần tết sum họp như thế. Sao lại không trở về!

Tin cùng chuyên mục