Hơn 3 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực trong tâm lý tiêu dùng của người dân, đặc biệt tại TPHCM - hơn 80% người tiêu dùng đã ưu tiên lựa chọn hàng Việt. Nhưng để làm nên mùa xuân cho hàng Việt, phía trước còn rất nhiều điều phải làm.
Hướng về hàng Việt
Chưa có mùa tết năm nào thị trường hàng tết lại khởi động sớm, hàng hóa đa dạng, phong phú như năm nay. Cũng chưa có năm nào, TPHCM tổ chức nhiều hoạt động để kích cầu hàng Việt như năm nay. Mở đầu là ngày hội tung hàng tết, chương trình kết nối hàng hóa của các doanh nghiệp (DN), HTX sản xuất của các tỉnh với các hệ thống phân phối tại TPHCM và mới đây nhất là chương trình “Hàng Việt cho tết Việt”… Tất cả các hoạt động này đều hướng tới việc để mở đường, đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng nhanh nhất, tốt nhất. Trong thời điểm kinh tế còn nhiều khó khăn, người dân buộc phải thắt chặt chi tiêu, hàng Việt đã trở thành sản phẩm được người tiêu dùng ưu tiên chọn mua nhiều nhất, do giá rẻ nhưng chất lượng lại không thua kém hàng ngoại.
Nắm bắt được nhu cầu này, một số siêu thị đã phối hợp chặt chẽ với các đối tác, thiết kế nhiều loại giỏ quà tết thuần Việt. Dẫn đầu trong xu hướng này là hệ thống siêu thị Co.opMart. Với tên gọi “Giỏ quà tết Việt”, lần đầu tiên Saigon Co.op đã liên kết với các đối tác đưa ra nhiều mẫu giỏ quà khác nhau, có giá bán chỉ khoảng 150.000 đồng, gồm những mặt hàng thực phẩm là các đặc sản, sản phẩm làng nghề của các địa phương, những món được người Việt đặc biệt ưa thích khi đón tết cổ truyền...
Ông Nguyễn Thành Nhân, Giám đốc hệ thống siêu thị Co.opMart, cho biết, việc thiết kế giỏ quà tết Việt không chỉ hỗ trợ các DN tăng cường đầu ra cho sản phẩm, qua đó Saigon Co.op sẽ từng bước định hướng tiêu dùng cho khách hàng, tiết kiệm nhưng thiết thực. Để “giành đất” cho hàng Việt, hàng năm ban lãnh đạo Saigon Co.op chủ trương chọn lọc hàng hóa Việt Nam thay thế dần hàng hóa nhập khẩu, đưa vào kinh doanh trong hệ thống siêu thị. Quán triệt từng cán bộ - nhân viên có ý thức trong công việc của mình nhằm tôn vinh các thương hiệu Việt, tích cực vận động mỗi CBNV, khách hàng, người thân trở thành “đại sứ hàng Việt”, ưu tiên sử dụng hàng Việt.
Theo bà Nguyễn Phương Thảo, Giám đốc Trung tâm Thương mại MaxiMark Cộng Hòa, năm nay MaxiMark đang thực hiện chủ trương giảm khoảng 30% - 40% lượng bánh kẹo ngoại nhập khẩu, bù vào đó siêu thị sẽ đặt hàng các DN sản xuất trong nước. Theo bà Thảo, bánh kẹo nội không chỉ đẹp về mẫu mã, chất lượng tốt mà giá bán luôn thấp hơn từ 25% - 35% tùy mặt hàng, sẽ tiện lợi hơn cho người tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn.
Ở góc độ người tiêu dùng, chị Nguyễn Bạch Mai, số nhà 698 Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận cho biết trong gia đình chị từ nước rửa chén, kem đánh răng đến quần áo, giày dép…, các mặt hàng thuần Việt sẽ luôn được ưu tiên chọn mua ở vị trí cao nhất. Hàng Việt giờ đây không chỉ đẹp về kiểu dáng, đa dạng về mẫu mã, chất lượng tốt mà còn hợp túi tiền của nhiều đối tượng tiêu dùng.
Để làm nên mùa xuân cho hàng Việt
“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là cuộc vận động thiết thực, kịp thời, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu. Để cuộc vận động không phải là giải pháp tình thế mà là chủ trương nhất quán thể hiện đường lối chiến lược kinh tế của đất nước thì chính các DN phải là chủ thể của cuộc vận động. Để nắm bắt được cơ hội này, tự thân mỗi DN phải tìm tòi nghiên cứu, phân tích kỹ thị trường mục tiêu của mình là gì, giá trị tiềm ẩn như thế nào thì hàng Việt mới có thể cạnh tranh được với hàng ngoại.
Ngoài đảm bảo chất lượng và giá thành sản phẩm, DN cần phải đầu tư xây dựng hơn nữa các công nghệ sản xuất mới để đưa ra những sản phẩm có tính năng vượt trội, đề ra các chiến lược phát triển, tư duy sáng tạo khác biệt, mẫu mã theo phong cách chuyên nghiệp, hệ thống phân phối hiệu quả và chế độ hậu mãi tốt, đón đầu xu thế tiêu dùng, mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng… Tất cả các yếu tố này sẽ tạo tiềm lực phát triển bền vững, mang lại thành công cho DN cũng như niềm tin sâu sắc từ phía người tiêu dùng. Một khi đáp ứng được tâm lý của số đông thị trường, sản phẩm sẽ được ưa chuộng và đi vào tiềm thức người dùng.
Để làm được điều này, nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ các DN về thông tin, đào tạo, tiếp thị… trên các phương tiện truyền thông để giúp DN phát triển hơn nữa thương hiệu sản phẩm, nâng cao chất lượng. Cần có chiến lược phát triển chuỗi sản phẩm mang thương hiệu quốc gia, trở thành niềm tự hào cho mỗi người dân khi nhắc đến sản phẩm của Việt Nam.
Vấn đề quan trọng không kém là cần phải phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, của cộng đồng nhằm phát huy sáng kiến và trí tuệ, công sức và lòng yêu nước để cùng DN phát triển thương hiệu, cộng hưởng với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hiện nay.
Thực tiễn những năm qua đã chỉ ra rằng, DN Việt Nam có thể thắng ở thị trường trong nước và nước ngoài nhưng tất cả vẫn đang ở trong giai đoạn khởi đầu, khó khăn và thách thức còn ở phía trước. Sản phẩm và dịch vụ của DN Việt Nam có chiếm được niềm tin của khách hàng trong nước và nước ngoài hay không, rất cần những DN tiên phong, không ngừng sáng tạo và khẳng định vai trò rường cột của mình trong xây dựng và phát triển kinh tế của đất nước. Chính họ mới là người làm nên mùa xuân của hàng Việt trong lòng người dân Việt Nam.
Thúy Hải
| |
| |