Thách thức chưa từng có

Theo thống kê, tỷ lệ thất nghiệp tại Nhật Bản trong tháng 6 là 2,8%, thấp hơn nhiều so với các con số 10,2% tại Mỹ và 7,8% tại Khu vực đồng tiền chung euro (eurozone).

Nhật Bản hiện có khoảng 2,4 triệu lao động thuộc diện tạm nghỉ việc và nhận trợ cấp của chính phủ. Theo nhà kinh tế Hisashi Yamada tại Viện nghiên cứu Nhật Bản, con số 2,4 triệu trên phản ánh thực tế “các công ty đang vật lộn với tình trạng dư thừa lao động và chịu sức ép buộc phải cắt giảm nhân công”. Trên thị trường việc làm, chịu thiệt thòi nhất là nhóm lao động không thường xuyên, trong đó bao gồm những người được trả lương thấp hay làm các công việc bán thời gian. Nhóm này hiện chiếm 38% lực lượng lao động tại Nhật Bản, đồng thời chiếm tới 75% lượng lao động đang làm việc tại các nhà hàng, khách sạn - hai nhóm ngành chịu tác động mạnh từ đại dịch.

Không riêng gì Nhật Bản, hầu hết các nước cũng đang đối mặt với thách thức chưa từng có này. Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khoảng 93% lao động trên toàn thế giới hiện đang bị ảnh hưởng của dịch ở các mức độ khác nhau. Trong quý 1-2020, các nước mất tổng cộng khoảng 185 triệu việc làm và trong quý 2-2020 mất khoảng 480 triệu. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, thống kê thất nghiệp chưa bao gồm hàng triệu lao động, đặc biệt là lao động nữ, phải bỏ việc và rời khỏi thị trường lao động để chăm lo cho gia đình trước tác động của đại dịch. Ngoài ra, con số này cũng chưa bao gồm khoảng 4,2 triệu lao động bị ngừng việc, tương đương khoảng 6% tổng lực lượng lao động.

Trong bối cảnh như trên, chính phủ các quốc gia đã xây dựng nhiều chính sách đặc thù, các gói hỗ trợ người dân ứng phó với dịch, tập trung ở hai nội dung chính là hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng và hỗ trợ doanh nghiệp để duy trì, bảo vệ việc làm.

Tính đến nay, hơn 90 quốc gia trên thế giới đã thực thi các chính sách hỗ trợ nền kinh tế ứng phó dịch với tổng kinh phí lên hơn 10.000 tỷ USD. Với dư địa tài khóa lớn, các nước phát triển đã mạnh dạn triển khai cùng lúc nhiều gói chính sách hỗ trợ khác nhau, bao gồm từ miễn giảm thuế, miễn hoặc tạm ngừng đóng các quỹ an sinh xã hội cho đến hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho người dân, người lao động và doanh nghiệp. Các chính sách này được triển khai trên nền tảng hệ thống an sinh sẵn có.

Trong khi đó, các nước đang phát triển cũng triển khai các gói hỗ trợ ở quy mô nhỏ, chủ yếu vào các đối tượng yếu thế, đối tượng bị ảnh hưởng sâu do dịch bệnh. Ở một số nước, các điểm yếu trong năng lực quản lý và điều tiết đối với thị trường lao động đã hạn chế nhiều mức độ hiệu lực, hiệu quả của các chính sách hỗ trợ. Hầu hết các nước đều cố gắng hỗ trợ cùng lúc người lao động và người sử dụng lao động nhằm bảo vệ không chỉ thu nhập mà còn việc làm. Ở các nước phát triển, chính phủ thường hỗ trợ công dân theo mức thu nhập trước đây.

Tờ Japan Times nhận định, đây chỉ là các giải pháp tạm thời nhằm giảm khó khăn trước mắt, về lâu dài các nước cần chủ động tạo thêm nhiều cơ hội làm ăn, giao thương, từ đó sinh thêm việc làm, vừa giảm tỷ lệ thất nghiệp nói riêng vừa tăng thêm tính bền vững cho nền kinh tế…

Tin cùng chuyên mục