Thái Lan 4.0

Báo Thái Lan The Nation dẫn lời Phó Thủ tướng Thái Lan, ông Somkid Jatusripitak, nói về chiến lược Thái Lan 4.0 và làm thế nào để thúc đẩy quá trình chuyển đổi, hiện đại hóa nền kinh tế Thái Lan.

 

Ông Somkid Jatusripitak - Phó Thủ tướng Thái Lan. Ảnh: Nikkei.
Ông Somkid Jatusripitak - Phó Thủ tướng Thái Lan. Ảnh: Nikkei.

Theo ông Somkid, nếu như Mỹ có khẩu hiệu “Make America Great Again” hay Trung Quốc có chiến lược “Made in China 2025” thì người Thái Lan cũng đang rất quyết tâm với “Thái Lan 4.0”. Chiến lược Thái Lan 4.0 có mục tiêu đưa đất nước này thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, đạt tăng trưởng bền vững và giảm chênh lệch thu nhập. Điều này mở đường cho các mô hình kinh doanh và các thị trường mới, mang lại cơ hội phát triển mới cho tất cả.

Còn nhớ, mô hình phát triển kinh tế đầu tiên, còn được gọi với cái tên Thái Lan 1.0 đặt trọng tâm phát triển lĩnh vực nông nghiệp. Thành quả của nó là một đất nước nhiệt đới dẫn đầu khu vực và thế giới về những sản phẩm nông nghiệp, trong đó không thể không kể tới trái cây. Tiếp đó, Thái Lan 2.0 là kế hoạch tập trung vào các ngành công nghiệp nhẹ, giúp đưa Thái Lan từ một nước thu nhập thấp sang quốc gia có thu nhập trung bình. Thái Lan 3.0 đặt ra trọng tâm hướng đến các ngành công nghiệp nặng, giúp kinh tế Thái Lan tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, những sự thay đổi này chưa đủ giúp Thái Lan vượt qua hàng ngũ những nước có mức thu nhập trung bình. Đó cũng chính là lý do Thái Lan 4.0 ra đời.

Dù tên gọi tương đồng với những kế hoạch trong quá khứ, nhưng đặc biệt lần này, chiến lược Thái Lan 4.0 được đưa ra đúng thời điểm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) bùng nổ trên khắp thế giới, thể hiện sự quyết tâm bắt kịp xu thế mới để Thái Lan đạt được những mục tiêu tăng trưởng. Giống như nhiều quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới, Thái Lan 4.0 tập trung nhiều vào một nền công nghiệp sử dụng tri thức và công nghệ để tạo đột phá, tận dụng các lĩnh vực đổi mới, kiến thức, công nghệ và sự sáng tạo để cải thiện tổng thể nền kinh tế cũng như mức sống người dân. Một trong những mục tiêu được lượng hóa cao nhất chính là nâng GDP bình quân đầu người lên 15.000 USD vào năm 2032. Thái Lan cũng đặt mục tiêu nâng cao chất lượng lao động nhằm đáp ứng những đòi hỏi mới và khắt khe của CMCN 4.0. Khi lao động giá rẻ đã không còn là lợi thế, việc chuẩn bị cho người lao động hành trang để thích nghi với những đòi hỏi mới không chỉ tạo ra nguồn nhân lực dồi dào mà còn góp phần giải quyết những vấn đề bất ổn, vốn có thể phát sinh khi tự động hóa khiến nhiều việc làm truyền thống bị mất đi. Ngoài ra, người Thái cũng có những mục tiêu rất cụ thể khác, chẳng hạn như đưa ít nhất 5 trường đại học nước này vào nhóm 100 trường tốt nhất thế giới trong 2 thập niên tới. Vấn đề bất bình đẳng xã hội, nâng cao giá trị con người hay các vấn đề môi trường để phát triển bền vững hơn đều được Thái Lan đề ra và nỗ lực thực hiện. 

Đổi mới là yếu tố then chốt trong việc thúc đẩy Thái Lan 4.0 và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Với Thái Lan, việc phát triển còn dựa vào những lợi thế vốn có như nông nghiệp. Nước này đang hướng tới việc chuyển đổi từ phương pháp canh tác truyền thống sang canh tác thông minh với công nghệ và kỹ thuật hiện đại. Nông dân sẽ đảm trách từ vai trò trồng trọt tới phân phối sản phẩm của riêng mình. Đạt mục tiêu này sẽ đồng thời giải quyết hai bài toán khó: tăng năng suất và giải quyết tình trạng chênh lệch thu nhập.

Tin cùng chuyên mục