Theo Bangkok Post, sáng 25-11, dòng người biểu tình phản đối chính phủ đổ về trụ sở Bộ Ngoại giao Thái Lan nhằm phản đối sự hậu thuẫn của Bộ trưởng Surapong Tovichakchakul đối với dự luật ân xá của Thủ tướng Yingluck, được cho nhằm mở đường đưa cựu Thủ tướng Thaksin về nước. Dư luận đang rất lo ngại việc tái diễn tình trạng căng thẳng dẫn đến xung đột ở quốc gia này từng diễn ra trong năm 2010.
Kịch bản có lặp lại?
Chiều cùng ngày, đám đông biểu tình đã tập trung tại 13 địa điểm ở thủ đô Bangkok, sau đó xông vào trụ sở Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Thái Lan trong khi các thủ lĩnh biểu tình kêu gọi chiếm các tòa nhà chính phủ khác để gia tăng áp lực buộc Thủ tướng Yingluck từ chức.
Dòng người biểu tình tập trung từ ngày 24-11. Ước tính có 90.000 người tuần hành qua các đường phố Bangkok. Cùng lúc đó, trên khắp Bangkok, khoảng 50.000 người ủng hộ chính phủ, hay còn gọi là phe áo đỏ, đã tụ tập về một sân bóng đá nhằm thể hiện sự hậu thuẫn với bà Yingluck. Cả hai phe trên đều tuyên bố sẽ tiếp tục lưu lại thủ đô của Thái Lan giữa lúc căng thẳng ngày một lên cao. Cảnh sát khẳng định sẽ tránh sử dụng vũ lực và cho rằng những người biểu tình có thể tiến về khu vực tòa nhà quốc hội và tòa nhà chính phủ.
Từ nhiều tuần qua, cả hai phe chống và ủng hộ chính phủ thường xuyên tổ chức tuần hành ở thủ đô Thái Lan. Đây là đợt biểu tình lớn nhất kể từ năm 2010. Vào thời điểm đó, các cuộc biểu tình kéo dài của phe áo đỏ ở Bangkok đã bị quân đội và cảnh sát thẳng tay trấn áp, làm 90 người thiệt mạng và gần 2.000 người bị thương.
Các cuộc biểu tình lần này diễn ra trong bối cảnh đảng Puea Thai cầm quyền đang gặp rất nhiều khó khăn. Hai dự án cải cách chính trị của chính phủ đã bị thất bại. Tuần qua, Tòa Bảo hiến Thái Lan bác bỏ dự luật quy định toàn bộ thượng nghị sĩ phải do dân bầu, thay vì một bộ phận được chỉ định. Thất bại thứ hai là Thượng viện Thái Lan không chấp nhận dự luật ân xá chính trị, bị phe đối lập tố cáo là nhằm cho phép ông Thaksin hồi hương. Chính phủ của bà Yingluck đang gặp khó vì đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong tuần này. Phe đối lập vẫn tiếp tục gây áp lực buộc Thủ tướng Yingluck phải cho tổ chức bầu cử lập pháp trước thời hạn.
Rủi ro cho nền kinh tế
Tình hình biến động tại Thái Lan khiến nền kinh tế nước này đang gặp ảnh hưởng. Theo Bloomberg, đồng baht Thái giảm 0,4% so với đồng USD. Các chỉ số chứng khoán sụt giảm nhanh nhất trong 2 tháng trở lại đây. Ông Shigehisa Shiroki, trưởng bộ phận giao dịch tại ngân hàng Mizuho Bank, cảnh báo với nền chính trị bất ổn kéo dài, nhiều nhà đầu tư sẽ quay lưng lại với Thái Lan vì thấy quá nhiều rủi ro. Thống kê vào quý 3 cho thấy kinh tế Thái Lan chỉ tăng trưởng 2,7%, thấp hơn với cùng kỳ năm ngoái. Chính phủ buộc phải hạ dự báo tăng trưởng xuống còn 3% thay vì con số 4,3% đưa ra trước đó. Bangkok Post cho biết các hãng hàng không Thái Lan khuyến cáo hành khách nên chọn thời gian khởi hành đến sân bay sớm để tránh bị tắc đường do dòng người biểu tình tập trung tại Bangkok.
Dòng người biểu tình đổ về Bangkok cho thấy việc Thượng viện Thái Lan bác dự luật ân xá không thể làm nguôi lòng phe đối lập mà dẫn đầu là Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban thuộc đảng Dân chủ đối lập và lãnh đạo đảng này là cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva. Phe đối lập cho rằng, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra là người hưởng lợi nhiều nhất nếu dự luật ân xá được thông qua, bởi ông từng bị tòa kết tội tham nhũng và kết án vắng mặt 2 năm tù. Giới phân tích nhận định bà Yingluck đã mắc sai lầm khi vội vã đưa ra dự luật ân xá vào thời điểm này, bởi nó đã làm “sống dậy” sự chống đối của phe đối lập và gây ảnh hưởng đến uy tín mà bà đã tạo dựng được trong hơn 2 năm qua với tư cách là một nhà lãnh đạo khéo léo, ôn hòa và tránh đối đầu.
THANH HẰNG (tổng hợp)
>> Thái Lan: Bất ổn chính trị leo thang