Phụ nữ đang thời kỳ mang thai luôn tiềm ẩn nguy cơ mắc phải các bệnh mạn tính thường gặp, nhất là đái tháo đường (ĐTĐ). Tuy nhiên, nhiều thai phụ chủ quan dẫn đến việc bệnh tình trầm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe cả mẹ lẫn con, thậm chí mất con. Theo ước tính của Bộ Y tế, hiện có khoảng 16% thai phụ đang trong thai kỳ bị mắc ĐTĐ, một bệnh lý nội khoa thường gặp, rất nguy hiểm.
Bỏ con, cứu mẹ
Bị mắc ĐTĐ thai kỳ, thai phụ Nguyễn Anh T. (34 tuổi, ngụ tại TPHCM) được bác sĩ chỉ định nhập viện, nhưng chị không tuân thủ. Khoảng 10 tuần sau, chị trở lại bệnh viện (BV) thì thai nhi bị chết lưu. Chị Anh T. mang thai lần 2, tiền sử gia đình có cha bị ĐTĐ. Qua quá trình khám thai định kỳ từ tuần thứ 20 đến tuần thứ 24, chị gặp phải tình trạng tăng cân đột ngột khoảng 4kg mỗi tháng. Khi đi khám thai định kỳ, chị Anh T. được bác sĩ chỉ định thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose tầm soát thì phát hiện tình trạng đường huyết cao bất thường. Thế nhưng chị không tuân thủ chỉ định điều trị và chế độ ăn uống phù hợp theo thực đơn của bác sĩ nên đã dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Khám định kỳ cho thai phụ tại BV Đại học Y Dược TPHCM
Tương tự, tiền căn gia đình có mẹ bị ĐTĐ nên khi mang thai lần đầu chị Trịnh Thị V. (25 tuổi, quê Tiền Giang) được bác sĩ thực hiện các bước tầm soát. Khoảng tuần 24 của thai kỳ, chị đến phòng khám Sản - Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TPHCM thì được bác sĩ chỉ định thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose. Sau chẩn đoán thai phụ bị ĐTĐ, bác sĩ đã cảnh báo mối nguy hiểm và đề nghị người bệnh đến ngay chuyên khoa Nội tiết để điều chỉnh lượng đường. Tuy nhiên, do chủ quan, chị V. đã không điều trị. Khi thai được khoảng 35 tuần, cơ thể có những biểu hiện bất thường, thai phụ quay lại BV. Qua kết quả kiểm tra, bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị đa ối, thai to với những diễn tiến rất nặng của ĐTĐ thai kỳ, đe dọa trực tiếp đến sinh mạng bệnh nhi. Ngay lập tức, bác sĩ nội tiết chỉ định sử dụng Insulin đường tiêm để điều chỉnh lượng đường. Song giải pháp hỗ trợ không mang lại kết quả, người mẹ không còn cảm nhận được nhịp tim và vận động của thai nhi, kết quả siêu âm cho thấy thai đã bị chết lưu. Các bác sĩ phải nhanh chóng thực hiện phẫu thuật lấy thai lưu, tránh những diễn tiến nguy hiểm đến với người mẹ.
Chủ động phòng tránh
Theo các chuyên gia y tế, ĐTĐ có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Thị Kiều Dung, Trưởng khoa Phụ sản - BV Đại học Y Dược TPHCM, thai phụ bị bệnh sẽ gây ra tình trạng tăng cân quá mức (trên 2kg mỗi tháng); nguy cơ gặp tình trạng đa ối với tỷ lệ 27% - 30%, lượng ối quá nhiều làm tử cung to nhanh có thể gây rối loạn tuần hoàn và hô hấp cho mẹ… ĐTĐ gia tăng nguy cơ sảy thai, sinh non; tăng nguy cơ cao huyết áp, tiền sản giật, sản giật gấp 4 lần. Nhiễm trùng trên thai phụ ĐTĐ dễ xảy ra và thường nặng nề hơn, nhất là viêm thận, bể thận. Khi vượt cạn, quá trình chuyển dạ kéo dài, sinh khó, tăng nguy cơ sang chấn và băng huyết sau sinh. Tỷ lệ sản phụ ĐTĐ mổ lấy thai cũng cao hơn và những nguy cơ do phẫu thuật cũng tăng, quá trình hậu phẫu có thể khiến lượng đường trong máu nặng có thể đưa đến hôn mê.
Để tránh nguy hiểm xảy đến với mẹ và bé, BS Lê Thị Kiều Dung khuyến cáo việc tầm soát ĐTĐ là đặc biệt quan trọng. Tất cả phụ nữ có thai từ tuần 24 đến tuần 28 đều nên thực hiện nghiệm pháp dung nạp đường huyết (OGTT) để tầm soát ĐTĐ thai kỳ. Nếu thai phụ có yếu tố nguy cơ cần thực hiện OGTT ở lần khám thai đầu tiên. Nếu kết quả OGTT bình thường, vẫn phải thực hiện lại OGTT vào tuần thứ 24 đến tuần thứ 28 của thai kỳ. Khi có thai, người mẹ nên ăn đủ chất, hạn chế ăn nhiều đường, tinh bột, chất béo, đặc biệt là không nên uống nhiều nước mía có nguy cơ làm tăng chỉ số đường huyết trong thai kỳ.
QUỲNH CHI