- EU sẽ tiếp tục tài trợ cho doanh nghiệp Việt Nam lên 10 triệu USD
“Việt Nam (VN) đang phải đối mặt với lạm phát tăng nhanh trong 4 tháng đầu năm. Thâm hụt thương mại đe dọa đến sự phát triển kinh tế và điều hành vĩ mô của VN”. Đây là nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế nước ngoài tại hội thảo “Đổi mới doanh nghiệp (DN) – EU hỗ trợ tăng cường năng lực cạnh tranh cho các DNVN” do Phòng Thương mại và Công nghiệp VN phối hợp với Phái đoàn Ủy ban châu Âu tại VN tổ chức ngày 14-5 tại TPHCM.
Theo các chuyên gia, thâm hụt thương mại của VN đã tăng nhanh về tỷ lệ so với xuất khẩu và với GDP. Năm 2007, thâm hụt thương mại là 14,1 tỷ USD (bằng 29,1% kim ngạch xuất khẩu và bằng 19,8% GDP) - 4 tháng đầu năm 2008 con số này đã lên đến 11,4 tỷ USD, bằng 60,8% xuất khẩu và gần bằng 1/2 GDP.
Trước đó, tại hội thảo “Kinh tế VN sau 1 năm gia nhập WTO” (tổ chức ngày 23-4), TS Võ Trí Thành - Trưởng ban Nghiên cứu Chính sách Hội nhập kinh tế, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, đã chỉ ra rằng, thâm hụt thương mại tăng cao là do xuất khẩu và nhập khẩu của VN đều có vấn đề. Đó là chúng ta mới chỉ xuất thô, trong khi phải nhập khẩu chính những sản phẩm tinh với giá cao hơn gấp nhiều lần.
Theo đó, trong cơ cấu các mặt hàng nhập khẩu, chúng ta vẫn chưa bóc tách một cách cụ thể từng nhóm hàng để đánh giá thực chất của việc thâm hụt thương mại. Thiết bị máy móc, phụ tùng, nguyên vật liệu cho sản xuất mặc dù chiếm tỷ trọng khá lớn và tăng cao trong cán cân nhập khẩu, nhưng không ít trong số này không phải là công nghệ nguồn hoặc được sử dụng để đầu tư vào các dự án không có hiệu quả…
Ông Antonio Berenguer, Tham tán thương mại Phái đoàn Ủy ban châu Âu tại VN, cũng cho rằng, mặc dù năm 2007 VN xuất khẩu sang EU đạt khoảng 14,23 tỷ USD, trong đó VN xuất siêu sang EU khoảng 4,43 tỷ USD nhưng thực chất các mặt hàng của VN vẫn chưa có tính cạnh tranh cao. Sản phẩm xuất khẩu của VN nghèo nàn, chỉ tập trung ở các nhóm hàng thâm dụng lao động như giày dép, quần áo, cà phê hạt, hàng thủy hải sản, đồ gỗ nội thất…
Theo các chuyên gia, để kéo giãn cán cân thâm hụt thương mại trong những tháng cuối năm, nếu chỉ một mình Chính phủ đối đầu (bằng việc triển khai hàng loạt biện pháp vĩ mô) không thôi thì chưa đủ, mà cần có sự góp sức của mọi thành phần kinh tế và cả hệ thống chính trị.
Tại hội thảo, ông Antonio Berenguer cho biết, Liên minh châu Âu (EU) sẽ tăng ngân sách tài trợ cho các DNVN nhằm nâng cao tính cạnh tranh của DN trong nước khi làm ăn với thị trường EU, bằng việc triển khai tiếp Dự án hỗ trợ đa biên giai đoạn 3 (Mutrap 3). Bên cạnh hỗ trợ kỹ thuật thông qua các chương trình huấn luyện, đào tạo dành cho các DNVN, dự án sẽ giúp cải thiện quản lý và xử lý thông tin của hải quan VN. Nguồn kinh phí tài trợ cho dự án này sẽ tăng lên 10 triệu USD so với 5 triệu USD của Mutrap 2 đã kết thúc hồi tháng 4 vừa qua. Đây là nguồn vốn ODA của EU tài trợ không hoàn lại cho VN. Mutrap 3 dự kiến sẽ hoạt động trong 5 năm. |
Th.H.