Thầm lặng giúp đỡ người nghèo

Đã hơn 10 năm cô Phạm Thị Vân (60 tuổi, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường 4 quận 10, TPHCM) gắn bó với hoạt động từ thiện xã hội. Cô vận động các quán cơm trên địa bàn phường ủng hộ suất cơm để chăm lo hơn 20 cụ già ngụ tại khu phố có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, bệnh tật. 

Những suất cơm ấm tình

Cô Vân nhớ lại những ngày đầu khi mở lời xin các quán cơm vài suất cho người nghèo, chủ quán nghi ngại, sau đó một thời gian thì họ đều hiểu. Cứ đúng giờ cơm trưa, cơm chiều, một số quán cơm trong phường lại chuẩn bị sẵn những suất ăn tươm tất đợi cô Vân ghé ngang thì đưa để gửi người nghèo. 

Hàng ngày, cứ 10 giờ 30, cô Vân cùng chiếc xe đạp đến quán cơm Nụ Cười Mới, quán cơm 229 Vĩnh Viễn… mang những suất cơm nóng hổi về trao tận tay các cụ già. Dù trời nắng hay mưa, việc làm ý nghĩa này luôn được duy trì, tính đến nay đã hơn 10 năm với gần 60.000 suất cơm. Hồi trước, mỗi ngày cô Vân mang 15-20 suất cơm, giờ có cụ đã mất nên số lượng suất cơm giảm đi. Đây là một công việc thầm lặng, đã phần nào động viên tinh thần cho các cụ già. 

Thầm lặng giúp đỡ người nghèo ảnh 1      Cô Phan Thị Vân (thứ 4 từ phải qua) tại buổi khánh thành cầu nông thôn
Như trường hợp ông Sou Hoa Cheng (70 tuổi) hoàn cảnh khó khăn, nhà cửa xuống cấp, xập xệ. Cả ngày ông không dám mở điện, thắp đèn dầu vào buổi tối, có bữa còn không thắp đèn. Trước đây, ông Sou Hoa Cheng nấu nồi cơm ăn mấy ngày, lúc nào cũng ăn kèm với nước tương. Biết hoàn cảnh, cô Vân báo lên phường nhờ giúp đỡ.

“Ở trên chung tay cùng mình vận động xây cho ông cái nhà tình thương. Bây giờ ông có nhà tươm tất để ra vào. Mỗi ngày ông được 2 suất cơm, có cá, thịt, rau… Thấy mình đem cơm tới, ổng mừng lắm”, cô Vân kể. 

Gần giống ông Sou Hoa Cheng, trường hợp ông Nguyễn Văn Tấn bị mù cũng được cô Vân giúp đỡ tận tình. Kể cả những ngày có quá nhiều công việc, mệt đứt hơi, hoặc có đi đâu xa, thì vẫn cứ đúng giờ là cô Vân đều mang cơm đến. Mệt cỡ nào vẫn luôn tận tình nói: “Bác ơi, con mang cơm qua cho bác! Bác ăn đi”. Cô Vân kể: “Ông Tấn lớn tuổi lại bị mù, có bà má bị bệnh nặng vừa mới mất, vô cùng đáng thương. Nên mình cũng nhận lo phần cơm nước hàng ngày cho ông”.

Được lòng người

Có lần, khi mang cơm đến bà cụ nghèo nhất trong danh sách người già neo đơn cô hỗ trợ, cụ nói: “Tui ăn hoài, tui ngán cơm quá cô Vân ơi”. “Vậy chứ giờ bác muốn ăn gì?”. “Giờ tui muốn uống sữa”. Vậy là bữa sau cô Vân đem mấy hộp sữa tới. Có lần, cô Vân lên phát biểu, trao học bổng cho học sinh nghèo trong khu phố, mấy phụ huynh ngồi dưới mới biết cô là chủ tịch hội khuyến học và là bí thư chi bộ. Có người nói: “Trời ơi, đó giờ thấy bả đạp chiếc xe vòng vòng đi lấy cơm cho người này người kia, ai đâu biết…”.

Ngoài việc chăm lo cho người nghèo, cô Vân còn vận động xây cầu nông thôn giúp bà con vùng sâu. Năm 2019, cô Vân cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 4 quận 10 vận động hơn 73 triệu đồng xây cầu ở ấp An Bình 1, xã An Hòa Tây, huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre). Khi xây xong cây cầu, cô mời các mạnh thường quân đi cùng mình xuống tận nơi tham gia lễ khánh thành.

Rất rõ ràng trong chuyện vận động từ thiện, cô nói: “Việc làm thật 100%, người ta thấy rõ mình làm thì người ta mới hỗ trợ. Không thể nhận tiền rồi bảo “ờ, xây xong rồi”. Đã xây xong thì cũng phải cho người ta thấy cây cầu, chứ không qua loa được. Tiền bạc gì mình rất rõ ràng, nhờ địa phương làm giấy cảm ơn cho các mạnh thường quân. Nhiều anh chị nói không cần nhưng mình vẫn muốn tri ân cái tình họ dành ra với người nghèo và để họ biết là số tiền ủng hộ đã được thực hiện đúng. Mình xúc động khi các anh chị nói sang năm có xây ở đâu nữa, cô cứ nói tôi”.

Tin cùng chuyên mục