Tham nhũng và hàng xa xỉ

Thị trường hàng xa xỉ của Trung Quốc đang ế ẩm. Theo tờ China Daily, thống kê vào những tháng cuối năm ngoái, doanh thu của các nhãn hàng đắt tiền tại quốc gia này liên tục sụt giảm đến hơn 20%. Và năm nay, nhiều khả năng sẽ không khá hơn bởi quy định yêu cầu các quan chức phải thực hiện “lối sống thanh đạm” do Chính phủ Trung Quốc ban hành vào tháng 10 năm ngoái. Theo đó, các quan chức bị cấm dùng tiền công quỹ để tổ chức đại tiệc hay mua ô tô sang. Các món quà đắt tiền như trang sức hay rượu cũng nằm trong danh sách cấm nhận. Tặng quà từ lâu đã được coi là biểu tượng của sự tôn trọng trong văn hóa Trung Quốc, đồng thời là nguồn thu ổn định cho các nhãn hàng xa xỉ tại nước này. Tuy nhiên, một loạt scandal gần đây như con trai một quan chức cấp cao lái Ferrari gây tai nạn, một lãnh đạo khoe số đồng hồ giá trị gấp nhiều lần lương bổng, tình trạng tham nhũng và lối sống không lành mạnh gia tăng ở bộ máy công quyền đã khiến người dân Trung Quốc vô cùng bức xúc.

Chính vì vậy người Trung Quốc giờ đây không chỉ giảm mua sắm hàng xa xỉ vì kinh tế đi xuống mà còn để tránh bị điều tiếng. Quy định mạnh tay này cũng khiến giới siêu giàu tại Trung Quốc bắt đầu rụt rè hơn trong việc vung tay mua hàng hóa sang trọng. Cuộc khảo sát tiêu dùng hàng xa xỉ tại Trung Quốc năm 2013 của tạp chí Hồ Nhuận (tạp chí chuyên xếp hạng người giàu có ở Trung Quốc, tương tự như Forbes của Mỹ) cho biết, Mao Đài, thương hiệu rượu nổi tiếng của Trung Quốc, đã tụt khỏi tốp 10 thương hiệu quà tặng được các nam triệu phú Trung Quốc ưa thích, từ vị trí thứ 5 trong năm ngoái, xuống bậc 13. Lâu nay, rượu Mao Đài thường được dùng trong các bữa tiệc chính thức cấp nhà nước ở Trung Quốc. Không chỉ rượu, mà cả những chiếc đồng hồ sang trọng, chủ yếu là từ Thụy Sĩ, cũng bị giới siêu giàu Trung Quốc xa lánh. Các cửa hàng nổi tiếng như Louis Vuitton, Prada, Bubberry giờ cũng thưa thớt khách hàng, dù đây là thời điểm chuẩn bị năm mới. 

Những gì đang diễn ra tại Trung Quốc là điều giới kinh doanh hàng xa xỉ không thể ngờ tới. Bởi lẽ, chỉ năm trước đây, người Trung Quốc vung tiền không tiếc tay tại những cửa hiệu sang trọng. Sức mua ồ ạt này đã đưa Trung Quốc nằm trong tốp các quốc gia có nhiều khách hàng “sộp” nhất thế giới chuyên tậu hàng đắt tiền. Doanh thu “chợ chiều” cộng với giá nhân công lẫn nguyên liệu thô tăng giá  khiến các thương hiệu cao cấp phải tính đến kế họach đầu tư kinh doanh ở thị trường khác. Theo tờ Beijing Business Today, khảo sát cho thấy 40% các doanh nghiệp sản xuất hàng xa xỉ đang cân nhắc rời Trung Quốc hoặc chuyển một phần đơn hàng sang các nước phát triển để tăng doanh thu. Bà Desiree Bollier, Giám đốc điều hành Value Retail, đơn vị phân phối hàng cao cấp tại châu Âu nhận định: “Nhu cầu mua hàng xa xỉ tại Trung Quốc có thể không biến mất mà chỉ thay đổi về phạm vi. Giới siêu giàu sẽ không sử dụng chúng làm quà tặng nữa mà phục vụ riêng cho nhu cầu của mình”. Việc doanh thu hàng xa xỉ giảm sút liên quan đến quy định sống giản dị và cấm nhận quà đắt tiền trong giới quan chức cho thấy người ta mua hàng xa xỉ để hối lộ và tình trạng tham nhũng ở nước này đã đến hồi báo động đỏ.

Thanh Hằng

Tin cùng chuyên mục