Lên tập đoàn

Than Việt Nam sẽ rất khác

Than Việt Nam sẽ rất khác

Tháng 11-2005, tập đoàn kinh tế đầu tiên của nước ta ra đời: Tập đoàn Than Việt Nam (TVN). Nói đến than, người ta dễ hình dung ra những người thợ lầm lũi, vất vả. Nhưng Tổng Giám đốc TVN Đoàn Văn Kiển khẳng định điều đó nay đã khác và sẽ còn khác hơn nữa...

  • Mạnh lên nhờ cơ chế giao khoán

Gặp Phó Vụ trưởng Vụ I Thanh tra Chính phủ Hoàng Đức Ngân tại các hầm mỏ ở Quảng Ninh, câu đầu tiên ông nói với tôi là: “Lại định hỏi về sai phạm bao nhiêu, như thế nào chứ gì? Nhưng kể từ sau đợt thanh tra năm 1999, ngành than đã sửa sai và phát triển rất nhanh rồi!”. Ngày ấy, những sai phạm của ngành than mà thanh tra công bố làm rung chuyển ngành than. Đời sống của 8 vạn kỹ sư, công nhân ngành than vốn đang cơ cực thêm chông chênh.

Than Việt Nam sẽ rất khác ảnh 1

Doanh thu tổng công ty chỉ đạt 4.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế chỉ vỏn vẹn 20,3 tỷ đồng. Năm 2005, doanh thu của TVN đã đạt tới trên 20.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 2.500 tỷ đồng, thu nhập lao động bình quân trên 3 triệu đồng/tháng. Tổng Giám đốc TVN Đoàn Văn Kiển cho rằng, bí quyết làm nên sự đổi thay thần kỳ ấy là những giải pháp tốt: Năm 1999, TVN chọn xuất khẩu làm khâu đột phá để tăng sản lượng tiêu thụ.

Để giải quyết mâu thuẫn lao động nhiều, năng suất thấp, tổng công ty đã vận động công nhân viên trích 1%-2% quỹ lương giúp đỡ 9.200 lao động dôi dư tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi; thay đổi mức thu nhập của công nhân kỹ thuật cao gấp 8 lần (thay vì chỉ hơn 1 - 2 lần) thu nhập của lao động giản đơn.

Năm 2002 bắt đầu khoán kinh phí, chuyển toàn bộ mối quan hệ giữa tổng công ty với các thành viên sang chế độ hợp đồng kinh tế. ông Hoàng Đức Ngân thừa nhận: rất nhiều công nhân mỏ trước đây chuyên khai thác trộm than. Nhờ cơ chế giao khoán, chuyển giao toàn bộ khâu kinh doanh than cho TVN nên nay họ đã trở những lao động có tay nghề, kỷ luật, chủ nhân của tập đoàn kinh tế đầu tiên ở Việt Nam.

  • Than hóa dầu, giá trị tăng gấp 13 lần

Tổng Giám đốc Đoàn Văn Kiển khẳng định sẽ nâng doanh thu và thu nhập của tập đoàn lên hơn 2 lần chỉ trong 5 năm tới. Với vẻ hoạt bát thường thấy, ông lý giải, đại ý: Chiến lược chủ yếu của tập đoàn từ nay đến 2020 là lấy than Quảng Ninh nuôi bauxit Tây Nguyên, sau đó lấy Tây Nguyên làm đòn bẩy khai thác than vùng đồng bằng Bắc bộ và tìm cơ hội đầu tư ra nước ngoài. Thực tế là TVN vừa được giao thay thế Tổng Công ty Khoáng sản trong dự án bauxit Đắc Nông.

Trước đó, Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam phối hợp với Tổng Công ty hữu hạn nhôm Trung Quốc (Chalco) lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án bauxit-alumin Đắc Nông (mỏ 1-5 và mỏ Quảng Sơn) công suất 1,9 triệu tấn alumin/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD.

Không dừng lại ở đó, định hướng chiến lược trong chế biến than là hình thành ngành công nghiệp hóa than. Khi đó, than không còn là nhiên liệu trực tiếp mà là nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp hóa than. Như thế, trong tương lai, sử dụng than sẽ tăng và mức phát thải sẽ giảm xuống gần bằng 0 do than sẽ được điều chế thành khí và dầu.

Ông Kiển kể “tháng 7-2005, khi tôi ở Washington, trợ lý Bộ trưởng Năng lượng Mỹ đã hứa sẽ giúp Việt Nam phát triển công nghệ than sạch, khí hóa lỏng than”. Theo tính toán của các nhà đầu tư Mỹ, với 10 tỷ tấn than, nếu đem bán sẽ thu được 300 tỷ USD; nếu dùng để phát điện sẽ tạo ra giá trị 720 tỷ USD (giá bán điện là 4 cent/kWh), tăng 2,4 lần; nếu khí hóa sẽ thu về 2.000 tỷ USD, gấp 6,6 lần; nếu tạo thành dầu diezen, với giá 2,5 USD/galong sẽ thu được 4.000 tỷ USD, tăng gấp 13 lần.

Hiện Trung Quốc cũng đã có dự án nhà máy hóa than thành dầu. Giá than hóa lỏng sẽ đạt 35-40 USD/thùng, rẻ hơn nhiều so với giá dầu hiện nay.

TVN đang lên kế hoạch khai thác than ở mỏ mới Bình Minh huyện Khoái Châu, Hải Dương. Đây là một trong những điểm có trữ lượng rất lớn ở khu vực đồng bằng sông Hồng. Nhưng, trước ngày xúc tấn than đầu tiên ở mỏ mới này, TVN đang nỗ lực chuyển nhanh sang hoạt động đa ngành nhằm giảm doanh thu từ than, tăng doanh thu ở những địa hạt mới như sản xuất điện, xây mới lưới điện; sản xuất ô tô, tàu biển; đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng, bất động sản, xi măng...

Hiện nay, nhiệt điện chạy than ở nước ta còn thấp, chỉ chiếm 30%. Trong tương lai, than phát điện sẽ là chính. “Nhiệt điện chạy than là ngọn hải đăng cho các mỏ than trên con đường kiếm tìm lợi nhuận”, ông Kiển ví von. 

NAM QUỐC

Tin cùng chuyên mục