TPHCM là địa phương đầu tiên có sáng kiến xây dựng nhà tình nghĩa và sau này lan rộng ra cả nước. Một phong trào thể hiện rõ ý Đảng, lòng dân, góp phần tạo nên thương hiệu thành phố - Thành phố nghĩa tình.
Báo SGGP và nhà tài trợ trao nhà tình nghĩa cho gia đình ông Trần Thanh Liêm (số 153/4/6 Bà Hom, phường 13, quận 6). Ảnh: VIỆT NGA
Hội tụ tấm lòng
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM cho biết, từ ngay sau ngày giải phóng, TPHCM đã vận dụng linh hoạt các hình thức cải thiện nơi an cư cho các gia đình chính sách có công như: cấp khung nhà, sửa chữa, xây dựng lại những căn nhà bị chiến tranh tàn phá nặng nề và kêu gọi người dân cùng tham gia. Vào năm 1982, từ nghĩa cử cao đẹp của cán bộ công nhân viên Công ty Sửa chữa nhà (Sở Nhà đất TPHCM), nhà tình nghĩa đã ra đời, nhằm cải thiện nơi ăn chốn ở cho gia đình chính sách có công bị chiến tranh tàn phá. Căn nhà đầu tiên được trao tặng cho hai vợ chồng thương binh Đào Văn Của và Nguyễn Thị Tuyết (ấp Phước Hòa, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi). Bằng điểm sáng nghĩa tình này, đất thép Củ Chi đã khởi phát sáng kiến, vận dụng phương châm Nhà nước và nhân dân cùng chăm lo cho diện chính sách có công.
Hưởng ứng sáng kiến của huyện Củ Chi, TPHCM dấy lên phong trào xây nhà tình nghĩa. Năm 1989, TPHCM phát động đợt cao điểm xây dựng nhà tình nghĩa. Chỉ trong một thời gian ngắn, toàn thành phố xây dựng thêm trên 2.900 căn. Đến năm 1995, phong trào xây dựng nhà tình nghĩa đã phát triển thành cao trào, hội tụ nhiều tấm lòng tri ân của người dân thành phố với 7.678 ngôi nhà tình nghĩa được xây dựng ngay trong năm. Từ cột mốc đó, hàng năm, thành phố đều có chỉ tiêu về xây dựng nhà tình nghĩa, coi đây là trách nhiệm và đạo lý.
Lan tỏa
|
Khi hay tin đồng đội cũ Trần Văn Hoàng (ngụ huyện Cần Giờ) đang trong tình cảnh không nhà, không giấy tờ tùy thân, mưu sinh vất vả, các anh em trong CLB Truyền thống kháng chiến - Khối Binh vận TPHCM không ai cầm lòng được. Đại tá Phạm Ngọc Thế, Chủ nhiệm CLB, đã liên lạc với Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, chính quyền địa phương và các mạnh thường quân, các đồng đội tìm sự giúp đỡ. Sau đó, ông Hoàng được tạo điều kiện, giúp cho 1 nền đất dự án rộng 100m² ở xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ (trị giá khoảng 100 triệu đồng). Chị Hoàng Minh Vân (con gái Anh hùng LLVT nhân dân Hoàng Minh Đạo) giúp 20 triệu đồng; xã Bình Khánh và các cựu đồng đội giúp thêm tổng cộng được 90 triệu đồng. Năm 2012, căn nhà tình nghĩa được xây dựng và trao tặng vợ chồng ông Hoàng. Có nơi cư trú, ông Hoàng cũng thuận lợi làm lại giấy tờ tùy thân.
Đại tá Phạm Ngọc Thế cho biết, CLB không có kinh phí hoạt động, có thể nói là “tay trắng”, nhưng khi biết đồng đội cũ nào gặp khó khăn về nhà ở, CLB đều tìm mọi cách hỗ trợ. Có trường hợp quá khó khăn như ông Nguyễn Văn Rớt không biết chữ, trên đường về quê lại bị móc túi mất sạch giấy tờ, phải cất căn chòi lá ở nhờ nhà mẹ vợ. Sau đó chòi sập, vợ chồng ông Rớt mượn sổ đỏ miếng đất ở Cần Thơ của mẹ vợ đi thế chấp ngân hàng, lấy tiền dựng nhà ở. 10 năm sau, lãi mẹ đẻ lãi con, số tiền cả vốn lẫn lãi lên đến 30 triệu đồng. Ngân hàng đòi hoài, nếu bị tịch thu nhà đất thì mẹ vợ và cả gia đình ông bức bách vào đường cùng. Ông Rớt tìm đến anh em đồng đội. Qua một hồi hỏi đầu đuôi xuôi ngược, anh em trong CLB, người chạy lo giấy tờ tùy thân, người nghĩ tìm cách cứu nhà ông Rớt. Mọi người bảo nhau, thay vì góp tiền xây nhà tình nghĩa như thông thường, thì sẽ vận động lấy số tiền ấy đi… chuộc nhà, tặng lại gia đình ông Rớt. Một lời đưa ra, 2 Anh hùng LLVT Trương Nhật Quang và Trần Lệ Quang giúp tổng cộng 15 triệu đồng; Công an quận 10 và các hội viên CLB chung tay được 15 triệu đồng nữa. Căn nhà của gia đình ông Rớt được sơn sửa mới, chứa chan nghĩa tình đồng chí đồng đội.
Ông Trần Thanh Hoàng kể, thành phố đã tạo mọi điều kiện như cấp đất, cấp nhà mặt tiền hoặc có vị trí gần nơi buôn bán cho trên 600 thương binh nặng. Bên cạnh đó, chính quyền và các đoàn thể ở địa phương giúp đỡ họ bằng nhiều hình thức như trợ vốn làm ăn, tặng xe đạp, xe máy, xe lăn… Riêng Hội Liên hiệp Phụ nữ còn tổ chức xe duyên cho nhiều cặp vợ chồng thương binh nặng tưởng như không có điều kiện xây dựng gia đình. Nhờ thế, khi trở về địa phương với mái ấm gia đình, hầu hết thương binh nặng đều có cuộc sống ổn định về vật chất lẫn tinh thần.
ĐƯỜNG LOAN