Tháo gỡ để phát triển

Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch một lần nữa thu hút sự quan tâm của người làm du lịch trong hội nghị góp ý về Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 do Bộ VH-TT-DL tổ chức mới đây. Quỹ được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực phát triển của du lịch trong tương lai.

Sau nhiều năm được thành lập nhưng chưa thể đi vào hoạt động do chưa có bộ máy vận hành, nguồn kinh phí…, việc Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch được coi là bước tiến lớn, góp phần giải quyết điểm nghẽn của du lịch Việt.

Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2021, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 88.200 lượt người, giảm 97,6% so với cùng kỳ năm trước. Chính tại thời điểm khó khăn này, nhu cầu về quỹ hỗ trợ cần thiết hơn bao giờ hết. Theo nhiều chuyên gia du lịch, việc duy trì quảng bá, xúc tiến, triển khai các hoạt động truyền thông nhằm duy trì sự quan tâm của du khách, đặc biệt là khách quốc tế, tại các thị trường trọng điểm thời điểm này là việc có ý nghĩa quan trọng.

Thực tế, trước năm 2019, dù đã có những con số tăng trưởng ấn tượng về lượng khách quốc tế, song, công tác xúc tiến, quảng bá lâu nay vẫn được nhận định là chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành, chưa ngang tầm với các nước trong khu vực. Nguồn kinh phí khoảng 2 triệu USD/năm mà Tổng cục Du lịch sử dụng để xúc tiến, quảng bá là quá khiêm tốn so với các nước trong khu vực. Kinh phí hạn hẹp lại gặp nhiều vướng mắc bởi cơ chế tài chính là một trong nguyên nhân khiến việc xây dựng và triển khai những kế hoạch xúc tiến du lịch thiếu linh hoạt, chưa đáp ứng thực tế.

Theo dự thảo thông tư, quỹ thực hiện các nội dung chi tổ chức hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam, giới thiệu du lịch Việt Nam ở nước ngoài. Cùng với đó, quỹ chi hỗ trợ cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về du lịch trong việc nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm du lịch với mức hỗ trợ từ 50% đến 100% kinh phí tùy theo quy mô, đối tượng.

Đặc biệt, dự thảo đã đưa ra vấn đề quan trọng nhất là nguồn kinh phí để vận hành quỹ. Theo đó, kinh phí ngân sách nhà nước bố trí cho quỹ hàng năm bằng 10% tổng số thu nộp ngân sách từ nguồn thu phí cấp thị thực và các giấy tờ có liên quan đến xuất nhập cảnh Việt Nam cho người nước ngoài; 5% tổng số thu nộp ngân sách từ nguồn thu phí tham quan khu du lịch, điểm du lịch của năm trước liền kề. 

Quỹ hỗ trợ du lịch sớm được vận hành sẽ góp phần nắm bắt cơ hội đón khách khi dịch Covid-19 được khống chế, phục hồi ngành công nghiệp xanh - một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của nền kinh tế trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục