Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh

Ngày 8-1, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024. Đến dự có Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.

Theo NHNN, năm 2023, cơ quan này đã điều hành chính sách tiền tệ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức 3,25% (thấp hơn mục tiêu 4,5% Quốc hội đặt ra). NHNN liên tục 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5%-2%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, tạo điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

i1d-5994.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024. Ảnh: VIẾT CHUNG

Đến nay, lãi suất tiền gửi, lãi suất cho vay mới của ngân hàng thương mại giảm hơn 2,5%/năm so với cuối năm 2022. Đến ngày 31-12-2023, tín dụng tăng 13,71% so với cuối năm 2022.

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, kết thúc năm 2023, về cơ bản ngành ngân hàng đã đạt được các chỉ tiêu, mục tiêu đặt ra, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; thị trường tiền tệ ngoại hối về cơ bản ổn định; VND là một trong những đồng tiền ổn định trong khu vực và trên thế giới (mất giá khoảng 2,9%); mặt bằng lãi suất giảm và trở về mức lãi suất trước dịch Covid-19…

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm cao và kết quả đạt được của ngành ngân hàng trong năm 2023, đóng góp quan trọng vào thành quả chung của đất nước trong bối cảnh tình hình gặp nhiều khó khăn, thách thức. Năm 2023, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng của cư dân và các tổ chức kinh tế đạt hơn 13,5 triệu tỷ đồng - mức cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, ngành ngân hàng cần cố gắng hơn nữa trong bám sát, nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, đúng thời điểm; thấu hiểu và chia sẻ nhiều hơn nữa với doanh nghiệp và người dân trong lúc khó khăn; coi trọng hơn nữa công tác thanh tra, giám sát…

Về nhiệm vụ năm 2024, Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng không để Chính phủ bị động, bất ngờ về chính sách tiền tệ; không để ách tắc trong lưu thông tiền tệ, không để người dân, doanh nghiệp thiếu vốn khi cần sự hỗ trợ của hệ thống ngân hàng; không để tiêu cực, tham nhũng, sơ hở trong quản lý hệ thống ngân hàng… Ngành ngân hàng cần tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp tín dụng để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng tốt hơn, đúng và trúng hơn, tập trung cho những lĩnh vực ưu tiên; đẩy mạnh triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi; tiếp tục triển khai quyết liệt đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, phấn đấu hoàn thành tốt nhất các mục tiêu đề ra; có giải pháp kịp thời, hiệu quả kiểm soát nợ xấu, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng…

Tin cùng chuyên mục