(SGGPO).- Sáng 22-10, Quốc hội làm việc tại tổ đại biểu, cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách năm 2015, kế hoạch năm 2016.
Chưa tăng lương cơ sở, khó giải thích với cử tri
Tại tổ ĐB TPHCM, ĐB Võ Thị Dung mở đầu phần thảo luận. Cơ bản nhất trí với Báo cáo của chính phủ, song ĐB Võ Thị Dung thẳng thắn nhận xét: “Báo cáo phản ánh rộng, toàn diện nhưng chưa thật sâu sắc và đầy đủ”. Có những thành tựu rất quan trọng (như kiềm chế lạm phát) chưa được phân tích kỹ nguyên nhân, rút ra bài học. Về phát triển công nghiệp, tuy tốc độ tăng khá, nhưng xét kỹ thì khu vực trong nước tăng trưởng thấp xa so với khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). ĐB Võ Thị Dung đề nghị Chính phủ giải trình rõ quan điểm có chấp nhận phát triển dựa vào khối FDI làm chủ lực hay không...
Toàn cảnh buổi thảo luận tại tổ đại biểu TPHCM. Ảnh: Lã Anh
Đặc biệt, ĐB Võ Thị Dung bày tỏ quan ngại về nhiều vấn đề xã hội như tình hình trật tự trị an, một số vụ án hình sự rất nghiêm trọng, tai nạn giao thông tuy đã giảm nhưng vẫn còn cao... “Cử tri nói với tôi, họ thấy nhiều bất an trong cuộc sống. Trong khi đó, ở kế hoạch 5 năm tới Chính phủ cũng chưa nêu rõ giải pháp cho các vấn đề xã hội rất bức xúc này. Xã hội không ổn định, lành mạnh thì phát triển kém ý nghĩa”, ĐB Võ Thị Dung bình luận.
Chỉ đi sâu vào một vấn đề, ĐB Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh: “Đây là lần thứ 3 tôi phát biểu về tiền lương cơ sở. Tôi rất thông cảm với Chính phủ là ngân sách khó khăn, nhưng tiếp tục không tăng lương cơ sở vào năm 2016 như lộ trình là chưa nghiêm túc thực hiện nghị quyết của QH. Trong khi đó, năm 2016 chúng ta sẽ áp dụng cơ chế giá thị trường với nhiều mặt hàng thiết yếu như điện, than, dịch vụ giáo dục, y tế… Năm ngoái đã xin hoãn tăng lương rồi, giờ hoãn tiếp, tôi không biết giải thích với cử tri thế nào”.
Bán cổ phần mà hòa chung vào ngân sách là mất hết vốn
Tại phiên họp, ĐB Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM, tập trung bàn sâu về các vấn đề kinh tế. Nêu yêu cầu đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2015 trong cả giai đoạn 2010 – 2015, ĐB Trần Du Lịch cho rằng, tình hình chung là tích cực. “So với 5 năm trước thì chúng ta đang thuận lợi hơn nhiều. Nhưng có một số vấn đề lớn đang tồn tại, thể hiện qua các chỉ tiêu 5 năm chưa đạt. Đó là tốc độ tăng GDP, tỷ trọng đầu tư xã hội, bội chi ngân sách, tỷ trọng công nghệ cao, tăng năng suất lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc. Như vậy là cả số lượng và chất lượng tăng trưởng đều không đạt”, ông Trần Du Lịch bình luận. Vẫn ĐB Trần Du Lịch thẳng thắn nhìn nhận, ở đây có cả trách nhiệm của QH trong vai trò cơ quan quyết định chính sách.
Bàn về cân đối ngân sách, vẫn Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM Trần Du Lịch nhận xét: “Chúng ta mới làm ra chỉ đủ chi thường xuyên, tiền đầu tư là tiền phải đi vay. Tôi nói vui rằng có lẽ chúng ta đã vay toàn tiền “đực”, nên không sinh nở được”! Vì thế, vấn đề lớn nhất hiện nay là tiết giảm chi thường xuyên. Nếu muốn tăng lương, Quốc hội phải có những quyết định rất mạnh mẽ.
Trên cơ sở những phân tích trên, ĐB Trần Du Lịch bày tỏ quan điểm: “ Không thể đi vay để tăng lương được. Muốn có tiền, phải kiên quyết cắt giảm các khoản chi tiếp khách, giao lưu học tập, kỷ niệm, khai trương khánh thành…”. Phát biểu sau đó, ĐB Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đồng tình: “Ngay như chúng tôi nhận được vô số giấy mời dự lễ kỷ niệm, rất tốn kém cả tiền bạc lẫn thời gian”.
Về kiến nghị của Chính phủ liên quan đến việc bán cổ phần của Nhà nước trong một số các doanh nghiệp lớn, các ĐB Trần Du Lịch, Đinh Thị Bạch Mai... tán thành chủ trương, nhưng yêu cầu khoản tiền thu được từ bán cổ phần phải được tái đầu tư vào những địa chỉ do Quốc hội xác định rõ. “Tiền bán cổ phần mà hòa vào ngân sách rồi lại đem chi thường xuyên, thì vài năm nữa sẽ cạn hết. Đây là nguồn lực rất lớn của đất nước tích lũy bao nhiêu năm mới có, QH phải quyết định từng địa chỉ đầu tư”.
Phân tích tình hình kinh tế thế giới, ĐB Trần Hoàng Ngân chỉ ra một số điểm đáng lo ngại, có thể tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, ĐB Trần Hoàng Ngân lạc quan về ổn định vĩ mô nói chung và tình hình tài chính – ngân sách nói riêng. “Theo con số Chính phủ cung cấp thì nợ công chỉ ở mức 61,3% GDP so với dự kiến 64%; nợ nước ngoài cũng thấp hơn mức trần. Đề nghị Quốc hội chấp nhận đề nghị của Chính phủ về đa dạng hóa kỳ hạn trái phiếu và phát hành trái phiếu quốc tế”, ĐB Trần Hoàng Ngân phân tích.
Mặc dù vậy, ĐB Trần Hoàng Ngân còn băn khoăn về những rủi ro tiềm ẩn khi quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng. Ông phát biểu: “Tôi luôn lo ngại về độ mở của nền kinh tế. Việt Nam hiện đứng thứ 2 trong khu vực, chỉ sau Singapore về độ mở kinh tế, nhưng khả năng cạnh tranh không cao; nhân lực và tài lực còn hạn chế. Phải làm sao để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn để nâng cấp, bổ sung trang thiết bị công nghệ với lãi suất thấp… Bài toán lãi suất vẫn tiếp tục phải giải”. Để ứng phó với hội nhập, đặc biệt là với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể được thực hiện trong vài năm tới, ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung luật về sở hữu trí tuệ; đồng thời có chiến lược đảm bảo tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài...
ANH PHƯƠNG