Thắt chặt tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm

Thị trường nội địa với gần 100 triệu dân đang là mảnh đất màu mỡ cho các sản phẩm rau củ quả tiếp cận. Để chinh phục người tiêu dùng, các doanh nghiệp (DN), nhà bán lẻ đều cam kết cung cấp sản phẩm chất lượng, đảm bảo các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm. 
Tiêu thụ rau quả tại hệ thống của Saigon Co.op trên địa bàn TPHCM đạt bình quân 1.100 tấn/tháng
Tiêu thụ rau quả tại hệ thống của Saigon Co.op trên địa bàn TPHCM đạt bình quân 1.100 tấn/tháng

Sức hấp dẫn từ thị trường 100 triệu dân

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhận xét thị trường nội địa với dân số gần 100 triệu dân đang là mảnh đất màu mỡ của ngành rau quả Việt. Lý do, thu nhập của người Việt ngày càng cao, mức sống theo đó cũng được cải thiện nhiều và họ bắt đầu chú trọng hơn đến những sản phẩm có lợi cho sức khỏe, rau quả vì thế được tiêu thụ mạnh hơn so với các năm trước đây. 

Theo ghi nhận của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng… người tiêu dùng tiêu thụ rau quả nhiều nhất. Các thống kê của Saigon Co.op cho thấy, chỉ riêng ở khu vực TPHCM, mỗi tháng nhà bán lẻ này đã tiêu thụ 1.100 tấn rau quả, trái cây; còn ở quy mô toàn khu vực Đông Nam bộ, con số này lên tới trên 1.750 tấn, tại khu vực miền Bắc khoảng 500 tấn/mùa vụ. Tại Big C, Lotte Mart…, để đảm bảo nguồn cung ổn định cho người tiêu dùng, các nhà bán lẻ này đã không ngừng tổ chức các chương trình kết nối để cung cấp đủ lượng rau quả tươi mỗi ngày. Đây cũng là lý do nhiều DN lớn trong ngành sau thời gian dài xuất khẩu đã chú ý hơn tới thị trường nội địa. 

Đại diện của Vina T&T chia sẻ, từ tháng 8-2019, tập đoàn này đã tiến hành mở một số chuỗi cửa hàng phân phối để đưa những sản phẩm đạt chất lượng xuất khẩu tiêu thụ tại thị trường nội địa. Tới nay, các cửa hàng đều ghi nhận sự tăng trưởng tích cực. 

Cũng tập trung vào nội địa, nhưng Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Kim Hải đi theo hướng riêng. Ông Phạm Cao Văn, Giám đốc điều hành công ty, cho biết nông sản châu Âu về Việt Nam vốn được người tiêu dùng trong nước chấp nhận vì đó là hàng nhập khẩu, có mẫu mã, bao bì cũng như chất lượng theo chuẩn toàn cầu, vì thế, Kim Hải sẽ không cạnh tranh trực tiếp mà liên tục đưa ra những sản phẩm mới phía châu Âu không có. Chẳng hạn như sản xuất nước uống từ trái thanh long kết hợp với hương vị của các loại khác.

Đảm bảo an toàn cho sản phẩm tới người tiêu dùng

Xuất phát từ yêu cầu của người tiêu dùng, các nhà sản xuất rau quả đang từng ngày đáp ứng để tạo chỗ đứng vững chắc tại thị trường nội địa. Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT của Vina T&T, từ lâu người tiêu dùng trong nước luôn lo lắng về chất lượng trái cây Việt khi bán trong nước không đạt tiêu chuẩn an toàn. Thì nay, với chuỗi cửa hàng được mở trong nước, Vina T&T mong muốn người tiêu dùng có một địa chỉ để mua trái cây chất lượng. 

Trong khi đó, với vai trò nhà bán lẻ nội địa có trên 800 điểm bán trên khắp cả nước, để đảm bảo các sản phẩm rau quả được an toàn tới tay người tiêu dùng, cuối năm 2019 Saigon Co.op đã áp dụng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật mới dành riêng cho nhóm hàng thực phẩm tươi sống kinh doanh tại siêu thị. Theo ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, với bộ tiêu chuẩn mới, các chỉ tiêu an toàn và độ tươi ngon của các loại sản phẩm rau củ quả, trái cây đều được nâng cao theo tiêu chuẩn tiệm cận tiêu chuẩn xuất khẩu. 

Bộ tiêu chuẩn kỹ thuật mới của Saigon Co.op có tính kế thừa và tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhà nước, đồng thời bổ sung các tiêu chí mới gắn với chuyển biến thực tế của xu hướng tiêu dùng hiện đại. Quy chuẩn mới áp dụng cho các sản phẩm này đều được chia nhóm nhỏ và có quy định chặt chẽ cho từng nhóm. Trong đó, bộ tiêu chí mới quy định cụ thể hơn về yêu cầu điều kiện vận chuyển sản phẩm. Bên cạnh phải đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định, phương tiện vận chuyển thực phẩm phải đảm bảo các điều kiện cụ thể về nhiệt độ, độ thông thoáng, giúp bảo quản hàng hóa không bị hư hỏng, không giảm độ tươi trong quá trình vận chuyển.

Đặc biệt, tiêu chuẩn đầu vào của các mặt hàng này tại hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op phải đáp ứng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn so với mặt bằng chung về yếu tố sản phẩm. Bộ tiêu chuẩn mới của Saigon Co.op cũng chuẩn hóa quy cách đóng gói và ghi nhãn sản phẩm, giúp việc bảo quản sản phẩm trong quá trình xếp dỡ, lưu giữ, kiểm soát nguồn gốc sản phẩm chặt chẽ hơn. Đáng chú ý là tiêu chí kiểm tra độ trưởng thành của sản phẩm, các loại trái cây, rau củ quả như bưởi, dưa hấu, xoài, quýt, cà chua, dưa leo, khổ qua... bắt buộc phải đạt độ trưởng thành, độ chín phù hợp mới được đưa vào kinh doanh trong siêu thị. 

Ngoài Saigon Co.op, các nhà bán lẻ khác như Big C, Emart, MM Mega Market… cũng đều có những tiêu chuẩn riêng để đảm bảo mặt hàng rau quả, trái cây thu mua, cung cấp cho người tiêu dùng được an toàn. Bởi theo các nhà bán lẻ, họ luôn đặt tiêu chí an toàn sức khỏe của người tiêu dùng lên hàng đầu, đồng thời quan tâm đến thị hiếu để từ đó thúc đẩy kinh doanh tốt hơn.

Tin cùng chuyên mục